Ảnh minh họa |
Đến nay NHNN đã phê duyệt phương án cơ cấu lại 55 TCTD (4 NHTM Nhà nước; Ngân hàng Hợp tác xã; 10 ngân hàng liên doanh, nước ngoài; 20 ngân hàng TMCP; 12 công ty tài chính; 8 công ty cho thuê tài chính). Đồng thời NHNN đã tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ quá trình triển khai tái cơ cấu của các TCTD.
Qua hơn một năm triển khai Quyết định 1058, hoạt động của toàn ngành Ngân hàng đã có chuyển biến tích cực. Năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần; năng lực quản trị điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao, dần tiệm cận với thông lệ quốc tế. Cơ cấu tổ chức bộ máy kiểm tra, giám sát ở tất cả các cấp từng bước được kiện toàn, ngăn ngừa xung đột lợi ích; tình trạng sở hữu chéo giảm thiểu...
Tính minh bạch trong hoạt động tín dụng cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Công tác thanh tra, giám sát được tăng cường đã góp phần ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, thúc đẩy các TCTD triển khai tái cơ cấu gắn với XLNX nghiêm túc, có hiệu quả…
Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của TCTD đạt khoảng 10,91 triệu tỷ đồng, tăng 9,17% so với năm 2017; Tỷ lệ an toàn vốn bình quân của TCTD đạt 12,08%. Hầu hết TCTD đạt các tỷ lệ, giới hạn an toàn theo quy định của pháp luật. Đặc biệt tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017. Năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, đến cuối năm 2018 đạt 566,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm 2017; vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 787,8 nghìn tỷ đồng, tăng 19,36%.
Việc triển khai Basel II được các TCTD chủ động, nỗ lực thực hiện với sự chỉ đạo sát sao của NHNN. Đến nay NHNN đã chấp thuận cho 3 ngân hàng là Vietcombank, OCB và VIB được áp dụng trước thời hạn Thông tư 41/2016/TT-NHNN (về quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam). Được biết, hiện NHNN đang xem xét các đề nghị áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn của 7 NHTM khác.
Thực tế cho thấy nhiều TCTD bắt đầu được hưởng “quả ngọt” từ tái cơ cấu và XLNX. Kết quả kinh doanh 2018 là một trong những minh chứng cụ thể. Một số ngân hàng bứt phá mạnh về lợi nhuận trước thuế. Đặc biệt, cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng có sự chuyển dịch tích cực với tỷ lệ thu từ dịch vụ ngày càng tăng. Mạnh tay XLNX cũ, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu tốt đã mang lại cho các ngân hàng những khoản thu đáng kể, đồng thời giảm được trích lập dự phòng rủi ro.
Năng lực quản trị điều hành được nâng cao, cùng với sự hỗ trợ của công nghệ đã giúp các nhà băng giảm chi phí hoạt động, có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên và khách hàng tốt. Giá trị thương hiệu, uy tín của ngân hàng ngày càng nâng lên. Năm 2018 Brand Finance đã công bố giá trị 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới, trong đó có 3 ngân hàng Việt Nam là VietinBank, BIDV và Vietcombank. Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s cũng đã nâng hạng tín nhiệm đối với 14 NHTM Việt Nam và điều chỉnh mức xếp hạng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ mức B1 “triển vọng tích cực” lên mức B3 “triển vọng ổn định”. Các chuyên gia nhận định, đây là những tín hiệu tích cực cho thấy công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, công tác tái cơ cấu và XLNX hệ thống các TCTD giai đoạn 2016-2010 đang đi đúng hướng...
Theo Ngân Hà
Thời báo ngân hàng