Chuyên mục  


Giây phút tên lửa diệt vệ tinh Ấn Độ rời bệ phóng

Vụ phóng tên lửa PDV Mk II hôm 27/3. Video: ANI.

Một tháng sau khi tiêm kích MiG-21 bị bắn hạ trong trận không chiến tại Kashmir, Ấn Độ bất ngờ phô diễn sức mạnh quân sự bằng việc phóng tên lửa tiêu diệt thành công một vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất hôm 27/3. Giới chuyên gia cho rằng vụ phóng tên lửa diệt vệ tinh này giúp New Delhi phát đi thông điệp răn đe cứng rắn tới nhiều quốc gia, trong đó có đối thủ địa chính trị lớn nhất của nước này là Trung Quốc.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố đây là cột mốc lịch sử, đánh dấu việc New Delhi trở thành một cường quốc vũ trụ. "Nó cũng thay đổi các tính toán chiến lược ở châu Á khi nước này sở hữu vũ khí có thể vô hiệu hóa vệ tinh đối phương trong trường hợp nổ ra xung đột", bình luận viên Jason Scott của Bloomberg viết.

Quân đội Ấn Độ cho biết quả đạn diệt vệ tinh mang tên Phương tiện Phòng thủ Prithvi (PDV) Mk II này được phát triển trên nền tảng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Prithvi III, bổ sung thêm một tầng đẩy nhiên liệu rắn. Đầu đạn không dùng thuốc nổ mà diệt mục tiêu bằng động năng, được trang bị đầu dò hồng ngoại để tăng độ chính xác.

Mục tiêu trong cuộc thử nghiệm là vệ tinh Microsat-R do Ấn Độ phóng lên không gian ngày 24/1. Nó hoạt động trên quỹ đạo có độ cao 260-285 km, bị đánh chặn khi bay qua vịnh Bengal ở độ cao 283 km.

Tên lửa PDV Mk II rời bệ phóng hôm 27/3. Ảnh: DRDO.

Ấn Độ từ lâu đã chật vật với các dự án mua sắm và tự sản xuất vũ khí do nhiều yếu tố, nhưng vụ phóng tên lửa PDV Mk II cho thấy nền công nghiệp quốc phòng nước này đang dần theo kịp những cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Scott cho rằng qua vụ phóng, Ấn Độ muốn khẳng định họ có sức mạnh quân sự đáng nể và thể hiện với các đối thủ tiềm tàng rằng nếu ai đó muốn đe dọa vệ tinh của Ấn Độ, họ cũng sẽ có khả năng đáp trả hiệu quả.

Chính phủ Ấn Độ nói vụ thử không phải nỗ lực chạy đua vũ trang mà chỉ là "bước tiến quan trọng nhằm bảo đảm an ninh, phát triển kinh tế và công nghệ cho Ấn Độ". Tuy nhiên, mối đe dọa từ Trung Quốc dường như vẫn là động lực chính thúc đẩy Ấn Độ theo đuổi dự án tên lửa diệt vệ tinh.

"Bắc Kinh từng tiến hành thử nghiệm tương tự hồi năm 2007, đó là hồi chuông cảnh tỉnh cho New Delhi", Rajeswari Pillai Rajagopalan, giám đốc sáng kiến chính sách hạt nhân và không gian thuộc Quỹ Nghiên cứu Quan sát của Ấn Độ, nói.

Quan hệ Ấn - Trung, vốn căng thẳng bởi tranh chấp biên giới hàng chục năm qua, đang ngày nóng lên khi hai quốc gia tìm cách gây ảnh hưởng tại khu vực. Trung Quốc đang duy trì quan hệ hợp tác kinh tế và quốc phòng chặt chẽ với Pakistan, khiến Ấn Độ tìm cách xích lại gần với Mỹ hơn bao giờ hết.

Một quả đạn chống tên lửa đạn đạo được Ấn Độ công bố năm 2006. Ảnh: DRDO.

Bắc Kinh có lợi thế dẫn trước đối thủ và trở thành nước đầu tiên có tàu thăm dò hạ cánh xuống vùng tối của Mặt Trăng. Chương trình vũ trụ của nước này do quân đội phụ trách, trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình từng thành lập Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược vào năm 2015 để phát triển năng lực tác chiến không gian.

"Vụ thử tên lửa PDV là tín hiệu cho thấy Ấn Độ đang tìm cách giành ưu thế trên vũ trụ. Các nước láng giềng sẽ phải nghĩ kỹ trước khi gây căng thẳng với New Delhi trong xung đột tương lai", John Blaxland, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược thuộc Đại học Quốc gia Australia, nhận xét.

Cuộc thử nghiệm cũng giúp chính phủ của ông Modi trấn an dư luận Ấn Độ, nhất là sau xung đột chớp nhoáng ở Kashmir với kết quả tiêm kích nước này bị bắn hạ và phi công bị Pakistan bắt làm tù binh.

"Về mặt quân sự, New Delhi đã chứng tỏ uy lực đầu đạn PDV Mk II, thể hiện khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo đối phương. Nó cũng cho thấy sức mạnh quân sự và công nghiệp Ấn Độ, tăng uy tín cho Thủ tướng Modi trước cuộc tổng tuyển cử mang tính then chốt sắp tới", Sam Roggeveen, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế thuộc Viện Lowy ở Australia, nói.

Vũ Anh (Theo Bloomberg)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020