"Tôi đã nhìn thấy nó từ trên không trong vô số lần cất, hạ cánh và cứ nghĩ đó là một ụ đất. Tôi chưa bao giờ nghĩ nó được làm bằng bê tông", một phi công kiêm huấn luyện viên bay, người đã sử dụng sân bay Muan ở tây nam Hàn Quốc suốt 7 năm qua, nói trong cuộc phỏng vấn tuần này.
Theo phi công, không có dấu hiệu nào trong biểu đồ sân bay hoặc hướng dẫn riêng cho thấy ụ đất đó chính là bức tường bê tông cao 2 mét, dày 4 mét ở cuối đường băng. "Các phi công khác cũng không biết đó thực sự là gì", anh cho hay.
Thiết kế đường băng sân bay Muan. Đồ họa: WSJ
Bức tường bê tông này được xây cách điểm cuối đường băng duy nhất tại sân bay Muan khoảng 250 m. Giới chức sân bay giải thích rằng nó là bệ đỡ cho hệ thống hỗ trợ hạ cánh (ILS) và được xây cao vì phần cuối đường băng có địa hình dốc.
Tuy nhiên, mức độ kiên cố của bức tường được cho là đã làm trầm trọng thêm tai nạn thảm khốc ở sân bay Muan ngày 29/12/2024, khi máy bay Jeju Air trượt trên đường băng khi hạ cánh bằng bụng, đâm vào bức tường rồi vỡ vụn và bốc cháy, khiến 179 người thiệt mạng.
Khoảnh khắc máy bay Hàn Quốc lao khỏi đường băng, đâm vào bức tường và bốc cháy ở sân bay Muan hôm 29/12/2024. Video: MBC
Phi công cũng đề cập vấn đề va chạm với chim ở sân bay Muan, được cho là nguyên nhân dẫn đến tai nạn thảm khốc. Anh cho biết phi công thường xuyên theo dõi hoạt động của chim bằng Dịch vụ Thông tin Nhà ga sân bay (ATIS).
"Theo kinh nghiệm của tôi, sự cố chim đâm vào máy bay xảy ra khoảng một lần mỗi năm, thường ảnh hưởng đến cánh máy bay", anh nói. "Sân bay Muan gần đây phát khuyến cáo hàng ngày về hoạt động của chim và nhân viên kiểm soát không lưu sẽ thông báo cho chúng tôi nếu có chim trên đường băng".
Vào ngày xảy ra thảm kịch, tháp không lưu đã phát cảnh báo va chạm với chim ngay trước khi phi cơ chuẩn bị hạ cánh. Phi công sau đó thông báo tình huống khẩn cấp do va chạm với chim, hủy hạ cánh và bay vòng lại, tìm cách tiếp đất lần hai. Thảm kịch xảy ra khi máy bay tiếp đất bằng bụng ở phần giữa đường băng.
Động cơ thứ hai của chiếc Boeing 737-800 thuộc hãng hàng không Jeju Air gặp nạn tại sân bay quốc tế Muan, được đưa khỏi hiện trường hôm 4/1. Ảnh: AFP
Giới chức Hàn Quốc ngày 31/12/2024 thông báo đang điều tra về vai trò và khả năng tác động của bức tường bê tông cuối đường băng sân bay quốc tế Muan, sau khi xuất hiện những ý kiến cho rằng máy bay Jeju Air có thể đã thoát nạn nếu không đâm phải cấu trúc này.
Hãng thông tấn Yonhap cho biết rất hiếm khi bệ đỡ hệ thống hỗ trợ hạ cánh ILS được làm bằng tường bê tông kiên cố, mà thường được đặt trên cấu trúc khung thép dễ dàng gập xuống khi chịu lực tác động mạnh. Bức tường bê tông được xây năm ngoái, trong quá trình sân bay Muan thay thế hệ thống ILS đã cũ.
Huyền Lê (Theo Korea Times, AFP)