"Tôi sẽ không loại trừ khả năng này, có thể Mỹ sẽ cần phải làm gì đó", Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nói trong cuộc họp báo ngày 7/1 tại Mar-a-Lago ở Florida, khi được hỏi về khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát kênh đào Panama và đảo Greenland.
Ông Trump giải thích thêm rằng kênh đào Panama "rất quan trọng với Mỹ" và nước này cũng cần Greenland vì "an ninh quốc gia". Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ một tổng thống đắc cử Mỹ công khai tuyên bố để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực để mở rộng lãnh thổ, đi ngược lại với chính sách tôn trọng quyền tự quyết mà Mỹ đã duy trì nhiều thập kỷ qua.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tại West Palm Beach, tháng 1/2024. Ảnh: AP
Tuyên bố được ông Trump đưa ra khi con trai cả Donald Trump Jr. đến thăm đảo Greenland, tuyên bố rằng người dân ở đây "yêu nước Mỹ và Trump".
Tổng thống Mỹ đắc cử tháng trước tuyên bố Washington cần sở hữu Greenland vì "an ninh quốc gia và hòa bình thế giới". Lãnh đạo đảo Mute Egede sau đó khẳng định đảo không phải để bán.
Bình luận về phát ngôn mới của ông Trump, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen gọi Mỹ là "đồng minh quan trọng nhất, thân cận nhất" của Đan Mạch và không tin Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự hay kinh tế để kiểm soát đảo.
"Đan Mạch hoan nghênh Mỹ quan tâm nhiều hơn đến khu vực Bắc Cực, nhưng Washington cần làm điều này với lòng tôn trọng người dân Greenland, đồng thời đảm bảo các hợp tác chung khác giữa Mỹ và Đan Mạch", bà Frederiksen nói.
Greenland là đảo lớn nhất thế giới, nằm gần Bắc Mỹ, giữa Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương. Đảo 57.000 dân có diện tích khoảng 2,16 triệu km2, rộng hơn Mexico và gấp hơn ba lần bang Texas của Mỹ.
Donald Trump Jr. (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng một nhóm người đội mũ MAGA, cầm cờ Mỹ khi thăm Greenland ngày 7/1. Ảnh: X/Donald Trump Jr.
Đảo là thuộc địa của Vương quốc Na Uy từ năm 1261 và được chuyển giao cho Đan Mạch khi vương quốc này chia thành hai quốc gia Đan Mạch và Na Uy năm 1814.
Năm 1953, Đan Mạch thông qua hiến pháp mới, biến Greenland thành vùng lãnh thổ tự trị và chịu kiểm soát phần nào từ Copenhagen về chính sách đối ngoại. Ông Trump đặt nghi vấn về tính hợp pháp trong việc Đan Mạch kiểm soát Greenland. Mỹ có một căn cứ quân sự lớn trên đảo.
Theo giới quan sát, ngoài an ninh quốc gia, lý do ông Trump nhắm đến Greenland còn có thể vì trữ lượng tài nguyên, trong đó có dầu mỏ, đất hiếm, uranium, và vị trí chiến lược của hòn đảo trong hoạt động hàng hải.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump từng đề cập ý định mua Greenland, nhưng lãnh đạo đảo và Đan Mạch từ chối bán, bất kể mức giá nào. Trong phát biểu mừng năm mới 2025, ông Egede thúc giục Greenland độc lập khỏi Đan Mạch, nói đảo cần thoát khỏi xiềng xích thực dân và tự định hình tương lai.
Vị trí đảo Greenland. Theo NPR
Khi được hỏi về phát ngôn mới của ông Trump đối với kênh đào Panama, Ngoại trưởng Panama Javier Martinez-Acha nhắc lại tuyên bố trước đây của Tổng thống Jose Raul Mulino rằng kênh đào thuộc về nước này và không chịu kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp từ bất kỳ bên nào.
"Chủ quyền đối với kênh đào của Panama là không thể thương lượng. Kênh đào là một phần trong lịch sử đấu tranh không thể đảo ngược của Panama", Ngoại trưởng Martinez-Acha nói.
Mỹ hoàn thành dự án xây dựng kênh đào Panama năm 1914 và cùng nước này quản lý công trình trong nhiều thập kỷ. Năm 1999, Mỹ bàn giao toàn bộ quyền quản lý kênh đào cho Panama.
Kênh đào dài 82 km, nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, cho phép tàu thuyền đi qua mà không phải vòng qua Nam Mỹ, rút ngắn đáng kể hành trình.
Ông Trump cuối tháng 12/2024 phàn nàn rằng Washington đang bị đối xử bất công khi Panama áp các khoản phí "vô lý" với tàu hải quân và tàu hàng Mỹ đi qua kênh đào.
Vị trí kênh đào Panama. Theo BBC
Ông cũng đề cập ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với kênh đào, mô tả đây là xu hướng đáng lo ngại đối với lợi ích của Mỹ vì các doanh nghiệp trong nước phụ thuộc nhiều vào tuyến đường này để vận chuyển hàng hóa giữa hai đại dương.
Khoảng 5% lưu lượng hàng hải toàn cầu đi qua kênh đào Panama mỗi năm. Mỹ là quốc gia sử dụng tuyến đường thủy này nhiều nhất, chiếm 74% lưu lượng hàng hóa qua kênh đào, còn Trung Quốc chiếm 21%.
"Nếu Panama không thể đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, đáng tin cậy của kênh đào, Mỹ sẽ yêu cầu nước này trả lại kênh đào cho Washington, không cần thắc mắc", ông Trump viết trên mạng xã hội.
Đức Trung (Theo AP, CNN, USA Today)