Chuyên cơ chở Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ cánh xuống thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ tối 2/9, đánh dấu bắt đầu chuyến thăm hai ngày của ông Putin đến nước này theo lời mời của Tổng thống Ukhnaa Khurelsukh.
Lãnh đạo hai nước hôm nay gặp nhau tại Quảng trường Thành Cát Tư Hãn, còn gọi là Quảng trường Sukhbaatar. Sau cuộc hội đàm, hai lãnh đạo chứng kiến lễ ký thỏa thuận nghiên cứu khả thi và thiết kế nhà máy năng lượng ở Ulaanbaatar nhằm đảm bảo nguồn cung nhiên liệu hàng không cho Mông Cổ.
Hai bên cũng nhất trí nghiên cứu về môi trường của một con sông nơi Mông Cổ dự kiến xây đập thủy điện. Moskva từng cho rằng dự án này sẽ khiến Hồ Baikal trên lãnh thổ Nga bị ô nhiễm. Ông Putin cũng vạch kế hoạch phát triển hệ thống đường sắt kết nối hai nước.
Tổng thống Nga mời người đồng cấp Mông Cổ dự hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra ở thành phố Kazan của Nga vào cuối tháng 10. Ông Khurelsukh đã chấp nhận lời mời này, theo hãng thông tấn Nga RIA Novosti.
BRICS được thành lập năm 2009, hiện có 9 thành viên gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Đại sứ Nga tại Trung Quốc hồi tháng 6 tuyên bố đã có khoảng 30 nước bày tỏ mong muốn gia nhập tổ chức, ghi nhận tầm quan trọng chiến lược của BRICS về hội nhập và phát triển kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Putin (phải) và Tổng thống Khurelsukh tại lễ đón ở Ulaanbaatar ngày 3/9. Ảnh: AFP
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Putin đến một quốc gia thành viên ICC kể từ tháng 3/2023, khi cơ quan này phát lệnh bắt lãnh đạo Nga và ủy viên của tổng thống phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova. ICC cáo buộc ông Putin và bà Lvova-Belova có vai trò quyết định trong chương trình "di chuyển trái phép" trẻ em từ Ukraine sang Nga, coi đây là "tội ác chiến tranh".
Nga không phải thành viên ICC và đã bác cáo buộc của cơ quan này. Moskva cũng phát lệnh bắt Chủ tịch ICC cùng một số thẩm phán để đáp trả.
Mông Cổ tham gia Công ước Rome về ICC vào tháng 12/2000. 124 nước thành viên ICC có nghĩa vụ thực hiện lệnh bắt của cơ quan này nếu cá nhân là mục tiêu của lệnh bắt có mặt trên lãnh thổ.
Chính phủ Ukraine tuần trước kêu gọi Mông Cổ bắt Tổng thống Nga khi ông tới thăm. ICC cũng nói rằng toàn bộ quốc gia thành viên có nghĩa vụ bắt người theo lệnh của tòa.
Mông Cổ không bình luận về những lời kêu gọi này, trong khi Điện Kremlin ngày 30/8 khẳng định đã thảo luận kỹ lưỡng "mọi phương diện" cho chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Mông Cổ và "không có gì phải lo lắng".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhiy Tykhyi hôm 2/9 cho rằng việc Tổng thống Putin thăm Mông Cổ, quốc gia thành viên Tòa Hình sự Quốc tế (ICC), là "đòn giáng" với ICC và hệ thống luật hình sự quốc tế.
"Ukraine sẽ làm việc với các đồng minh để đảm bảo Mông Cổ phải chịu hậu quả", ông Tykhyi cho hay, nhưng không nêu rõ. Giới chức Mông Cổ và Nga chưa bình luận về phát biểu trên.
ICC có thể lên án Mông Cổ vì không thực thi lệnh bắt. Tuy nhiên, cơ quan này không có thẩm quyền áp đặt biện pháp xử phạt, cũng không có cơ chế nào thực thi các lệnh của tòa, mà phải dựa vào việc các quốc gia thành viên lựa chọn có tuân thủ hay không.
Ukraine không phải thành viên ICC. Quốc hội Ukraine tháng trước phê chuẩn Quy chế Rome, hiệp ước thành lập ICC, để trở thành thành viên tổ chức này, nhưng kèm theo điều khoản không công nhận thẩm quyền của ICC đối với các trường hợp liên quan công dân Ukraine.
Huyền Lê (Theo Reuters, RT, AFP)