Một quan niệm thường thấy là các cặp vợ chồng ở vùng nông thôn muốn có nhiều con, tuy nhiên quan niệm này không còn đúng. Nghiên cứu cho thấy những lao động đến từ vùng nông thôn Trung Quốc cũng ngần ngại lập gia đình. Một trong những lý do thúc đẩy điều đó là hệ thống đăng ký hộ khẩu.
Hệ thống này được áp dụng từ những năm 1950, chia cư dân thành thị và nông thôn thành hai nhóm "hộ khẩu nông nghiệp" và "hộ khẩu phi nông nghiệp"
Được mô tả là bức tường vô hình, hệ thống hộ khẩu ra đời nhằm ngăn nguy cơ thành phố bị quá tải dân số. Nó hạn chế khả năng lao động nhập cư từ vùng nông thôn định cư ở các thành phố lớn nhất Trung Quốc bằng cách hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ như chăm sóc sức khỏe và giáo dục, hoặc quyền mua nhà.
Một góc thư viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc hồi tháng 1. Ảnh: Xinhua
Khi Trung Quốc bắt đầu cải cách kinh tế vào những năm 1980, hầu hết người dân đều sống ở vùng nông thôn. Những cơ hội kinh tế mới đã đưa hàng triệu người tới làm việc ở nhà máy hoặc công trường xây dựng tại các thành phố.
Một phần vì hạn chế trong quy định cư trú, trẻ em thường ở lại quê để ông bà hoặc các thành viên khác trong gia đình chăm sóc. Nhiều người trong số những đứa trẻ này về sau cũng trở thành lao động nhập cư và họ không muốn con cái phải lặp lại kịch bản như họ.
Zhao, 27 tuổi, từng lớn lên với ông bà khi bố mẹ cô tới thành phố tìm việc. Cô cho biết bản thân không muốn vội vàng kết hôn hoặc sinh con. "Tôi đã quá hiểu cảm giác tự ti và rụt rè của một đứa trẻ bị bỏ lại phía sau. Tôi không muốn thế hệ sau chịu cảnh này", Zhao nói.
Ông bà Zhao không biết chữ và hàng ngày đều bận rộn với công việc đồng áng. Với hoàn cảnh khó khăn đó, Zhao và em gái rất chật vật mới hoàn thành khóa học tại trường dạy nghề.
Mặc dù 2/3 người Trung Quốc hiện sống ở thành phố, chỉ 48% có hộ khẩu thành thị. Điều này đồng nghĩa khoảng hơn 200 triệu người không được hưởng các phúc lợi xã hội ở thành phố mà họ đang sống và làm việc. Năm 2017, chỉ khoảng 22% lao động nhập cư tham gia kế hoạch hưu trí ở thành phố hoặc có bảo hiểm y tế, theo Bộ Nhân lực và An sinh xã hội.
Một số nhà nhân khẩu học cho rằng loại bỏ hệ thống đăng ký hộ khẩu có thể giúp Bắc Kinh tăng tỷ lệ sinh. "Nhóm chính đang làm giảm tỷ lệ sinh ở Trung Quốc là những lao động nhập cư chưa được quyền tiếp cận các nguồn lực ở thành phố lớn một cách bình đẳng", Martin Whyte, giáo sư xã hội học danh dự tại Đại học Harvard, nói.
Nghiên cứu năm 2021 của Min Zhou, nhà xã hội học tại Đại học Victoria của Canada, chỉ ra hạn chế về hộ khẩu đã góp phần khiến nhiều lao động nữ nhập cư ngần ngại sinh con hơn phụ nữ thành thị.
Đối với nhiều lao động nông thôn, cuộc sống ở thành phố đồng nghĩa họ phải ở trong các khu ký túc xá của nhà máy hoặc ở chung nhà với nhiều công nhân khác để giảm gánh nặng tiền thuê. Họ rất khó có cơ hội mua nhà riêng.
Thâm Quyến từng giúp nhiều lao động nhập cư có cuộc sống dễ dàng hơn các thành phố lớn khác. Nhưng thành phố này hiện tìm cách thắt chặt khả năng tiếp cận giáo dục cho con cái của lao động nhập cư hoặc siết việc cấp giấy phép cư trú thông qua kết hôn.
Cư dân nông dân có thu nhập khả dụng hàng năm khoảng 3.000 USD, thấp hơn một nửa so với các đồng nghiệp thành thị, theo dữ liệu công bố năm 2023.
Người đàn ông và bé gái tại một công viên ở Bắc Kinh hồi tháng 1. Ảnh: AFP
Trung Quốc vẫn ghi nhận tình trạng trẻ em bị bỏ lại phía sau nhiều hơn các nước khác trên thế giới, với con số thống kê năm 2020 là 67 triệu người.
Tổ chức phi lợi nhuận On the Way to School (Trên đường tới trường) ở Bắc Kinh năm 2020 khảo sát 3.501 trẻ em phải sống ở quê xa bố mẹ. Kết quả cho thấy hơn 10% trong số này không gặp bố mẹ trong cả năm trước đó. Khoảng 25% cho biết chúng chỉ nói chuyện điện thoại với bố mẹ mỗi quý một lần.
Châu Thâm, ca sĩ nổi tiếng Trung Quốc 32 tuổi, gần đây chia sẻ với Xinhua về những tổn thương đã chịu đựng khi lớn lên mà không có bố mẹ bên cạnh. "Ước mơ của tôi là đi học có quần áo, giày dép đầy đủ và một chiếc bụng không đói", Châu nói.
Trung Quốc đang đối mặt bài toán dân số. Dân số Trung Quốc trên 60 tuổi đạt gần 297 triệu người trong năm 2023, chiếm 21,1% tổng dân số nước này, theo báo cáo của Bộ Nội vụ và Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Trung Quốc. Dân số trên 65 tuổi trong năm 2023 là 216,76 triệu người, chiếm 15,4%.
Số lượng trẻ sơ sinh năm nay dự kiến tiếp tục giảm. Tổng số đăng ký kết hôn là 4,7 triệu trong ba quý đầu năm nay, giảm 17% so với năm trước.
Cơ quan y tế Trung Quốc hồi tháng 10 đã phát động cuộc khảo sát toàn quốc, đặc biệt tập trung vào cộng đồng nông thôn và các thị trấn nhỏ, để tìm hiểu lý do mọi người ngại sinh con. Cùng tháng, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố loạt biện pháp nâng cao tỷ lệ sinh, trong đó có yêu cầu các thành phố mở rộng phạm vi bảo hiểm sinh nở cho lao động nhập cư.
Qin Zhou, một trong hàng chục nghìn tài xế giao đồ ăn ở Bắc Kinh, cho biết anh và vợ dự định tiết kiệm tiền và trở về quê nhà ở Sơn Tây trước khi có con.
"Có lẽ một đứa là đủ", tài xế ngoài 30 tuổi cho hay.
Chen Pan, nhân viên giao hàng ngoài 20 tuổi đến từ tỉnh Hồ Nam, nói bên ngoài một trung tâm thương mại ở Bắc Kinh rằng anh không có ý định kết hôn trước 30 tuổi, vì muốn tập trung kiếm tiền trước.
Thùy Lâm (Theo WSJ, Live Mint, Xinhua)