Chuyên mục  


"Nhiệm vụ của tôi với tư cách tổng thống là bảo vệ đất nước và người dân Philippines. Đừng chất vấn chính sách của tôi, vì tôi sẽ không xin lỗi, cũng không bào chữa", cựu tổng thống Rodrigo Duterte, 79 tuổi, nói trong phiên điều trần tại Thượng viện Philippines ngày 28/10 về cuộc chiến chống ma túy mà ông tiến hành sau khi nhậm chức hồi năm 2016.

Cựu tổng thống Philippines trong phiên điều trần tại Thượng viện ngày 28/10. Ảnh: AFP

Trong chiến dịch, Duterte đã ra lệnh cho cảnh sát bắn chết nghi phạm ma túy ngay tại chỗ nếu tin rằng tính mạng của họ bị đe dọa. Các biệt đội cảnh sát Philippines sau đó đã liên tục nổ súng bắn hạ người tình nghi trên đường phố mà không cần tòa án xét xử.

Cảnh sát cho biết chiến dịch đã khiến hơn 6.000 người thiệt mạng, nhưng các nhóm nhân quyền ước tính hàng chục nghìn người, chủ yếu là đàn ông nghèo, đã bỏ mạng dưới tay cảnh sát và lực lượng dân phòng mà trong nhiều trường hợp không có bằng chứng chứng minh họ có liên quan đến ma túy.

Ông Duterte khẳng định trong chiến dịch chống ma túy, ông đã yêu cầu cảnh sát không lạm quyền và rằng họ chỉ nên "chống lại những hành vi hung hăng khi tự vệ".

"Tôi luôn coi những người nghiện ma túy bất hợp pháp là nạn nhân và bệnh nhân cần được chăm sóc y tế chứ không phải tội phạm", ông nói. "Tôi đã làm những gì phải làm, và dù các bạn có tin hay không, tôi đã làm vì đất nước".

Cựu tổng thống Philippines xuất hiện trong phiên điều trần cùng với gia đình các nạn nhân, trong đó có chú của Kian delos Santos, người đã bị bắn chết ở tuổi 17, trong một vụ án gây phẫn nộ cộng đồng quốc tế.

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đang điều tra những cáo buộc cho rằng chiến dịch trấn áp ma túy này là "tội ác chống lại loài người" được nhà nước hậu thuẫn.

Đến nay mới chỉ có 9 cảnh sát bị kết án vì giết nghi phạm ma túy. Cuộc chiến chống ma túy vẫn tiếp diễn dưới thời người kế nhiệm Duterte, Tổng thống Ferdinand Marcos, mặc dù ông tập trung nhiều hơn vào công tác phòng ngừa và cải tạo.

Dù Tổng thống đương nhiệm và cựu tổng thống có những bất đồng quan điểm, Marcos nhấn mạnh chính phủ của ông sẽ không hợp tác với cuộc điều tra của ICC.

Philippines rời ICC vào năm 2019 theo chỉ thị của Duterte, nhưng tòa án này tuyên bố họ có thẩm quyền đối với các vụ giết người trước khi Philippines rút lui, cũng như những vụ giết người ở thành phố miền nam Davao, khi ông Duterte còn là thị trưởng.

Duterte hôm nay tuyên bố "tội phạm liên quan đến ma túy lại gia tăng" ở Philippines, với các báo cáo hàng ngày về tình trạng "trẻ em bị hãm hiếp, người dân bị giết" vì "những kẻ cung cấp mối hiểm họa này đã quay trở lại".

"Người dân Philippines đang lo lắng và đau khổ", ông nói thêm.

Hồi đầu tháng, trong cuộc điều tra riêng của quốc hội, một cựu đại tá cảnh sát khai rằng văn phòng của Duterte đã đề nghị trả cho cảnh sát tới 17.000 USD để giết những nghi phạm như một phần trong chiến dịch trấn áp ma túy. Phần thưởng chỉ được trao cho những vụ giết người, không phải bắt giữ.

Phiên điều trần đang diễn ra của Thượng viện Philippines được tổ chức để hỗ trợ việc xây dựng luật, nơi các thượng nghị sĩ mời mọi người đưa ra lập luận, bằng chứng để tạo ra luật mới hoặc sửa đổi luật hiện hành.

Vũ Hoàng (Theo Guardian, AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020