Nhà máy điện của Công ty TNHH Công nghiệp KCP VN đang giúp nông dân vơi nỗi lo với giá mía đường - Ảnh: V.TRƯỜNG
Điện sinh khối (dùng trấu, bã mía... để phát điện) không phải quá mới ở Việt Nam, tuy nhiên do giá mua loại điện này hiện thấp hơn nhiều so với giá các loại điện khác nên chưa khuyến khích được đầu tư.
Thái Lan mua điện sinh khối từ các nhà máy đường với giá 13 cent/kWh, thì EVN mua điện sinh khối của Công ty TNHH Công nghiệp KCP VN chỉ có 5,8 cent/kWh.
Ông Subbaiah
May nhờ có...nhà máy điện
Dọc hai bên quốc lộ 25 dẫn từ TP Tuy Hòa lên các huyện miền núi giáp với tỉnh Gia Lai là những cánh đồng mía bạt ngàn. Gia Lai và Phú Yên được xem là "thủ phủ" mía đường của VN với tổng diện tích lên đến hơn 60.000ha.
Nhiều nông dân ở huyện Phú Hòa (Phú Yên) và huyện Krông Pa (Gia Lai) cho biết giá mía thị trường giữa tháng 3-2019 ở Gia Lai và Phú Yên trung bình 720.000-760.000 đồng/tấn. Với giá này nông dân không có lãi, thậm chí bị lỗ nếu năng suất đạt dưới 70 tấn/ha. Nhiều hộ trồng mía đã chuyển sang trồng sắn.
Nhưng khi đến các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa và Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên), nông dân lại bán được mía với giá từ 820.000-860.000 đồng/tấn. Ông Rơ Chăm Y Nem đang thu hoạch 4ha mía ở xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa, xác nhận bán mía cho Công ty TNHH Công nghiệp KCP VN được 840.000 đồng/tấn, cao hơn bên Gia Lai khoảng 100.000 đồng/tấn.
Ông Đặng Văn Sâm, ở xã Ea Chà Rang, cho biết thêm những hộ ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ với công ty trên còn được đầu tư không giới hạn phân bón, giống. Những hộ trồng mía mới được tặng ngay 3,5 triệu đồng/ha.
Ông Subbaiah, tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP VN, xác nhận công ty vừa sản xuất đường vừa sản xuất điện sinh khối từ bã mía. Nông dân tham gia ký hợp đồng, nguồn thu từ bán điện cho EVN, công ty chia sẻ hết cho nông dân để họ yên tâm trồng mía.
"Nếu tới đây Chính phủ tăng giá mua điện, chúng tôi vẫn sẽ chia sẻ cho dân" - ông Subbaiah nói.
Khó phát triển vì giá mua điện thấp
Phía sau nhà máy của Công ty TNHH Công nghiệp KCP VN là nhà máy điện sinh khối 30MW đang phát điện lên lưới điện 110kV. Một kỹ sư nhà máy điện cho biết nhà máy điện tiêu thụ khoảng 300.000 tấn bã mía mỗi vụ ép.
Theo ông Subbaiah, năm 2016 công ty đầu tư 23 triệu USD xây dựng nhà máy điện sinh khối chạy bằng bã mía. Giai đoạn 1 nhà máy điện công suất 30MW đã phát điện và đưa lên lưới điện quốc gia 49 triệu kWh trong vụ ép năm 2017 (mỗi vụ ép chỉ khoảng bốn tháng). Năm 2018 bán được 108 triệu kWh.
Trong khi Thái Lan mua điện sinh khối từ các nhà máy đường với giá 13 cent/kWh, thì EVN mua điện sinh khối của Công ty TNHH Công nghiệp KCP VN chỉ 5,8 cent/kWh (khoảng 1.220 đồng/kWh). Ông Subbaiah băn khoăn giá bán điện thấp nên nông dân được chia lợi nhuận thấp.
"Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ tăng giá mua điện sinh khối của nhà máy đường để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà máy điện. Chỉ có cách này mới cứu được ngành mía đường, bởi vì giá đường của VN cao hơn Thái Lan rất nhiều".
Hiện nhiều doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn như thép đã đầu tư nhà máy điện nhưng điện sinh khối còn khá mới mẻ ở VN, một phần vì giá mua điện của EVN còn thấp.
Dự báo giá điện sinh khối sẽ tăng nên Công ty TNHH Công nghiệp KCP VN đã lập dự án đầu tư nhà máy điện thứ 2 công suất 30MW chạy bằng bã mía và phế phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, tiến độ đầu tư nhà máy còn phụ thuộc chính sách mua điện.
Ông Thái Minh Châu (giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên) cho hay riêng nhà máy điện sinh khối của Công ty TNHH Công nghiệp KCP VN đã đóng góp hơn 10% sản lượng điện của toàn tỉnh. Vụ ép và phát điện của nhà máy này diễn ra vào mùa khô, trùng với thời điểm nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ lưới điện gặp sự cố, thiếu điện nên nguồn điện này rất quan trọng.
Kiến nghị tăng giá mua điện sinh khối
Theo ông Trần Hữu Thế (phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên), sau ba năm vận hành cho thấy mô hình nhà máy đường kèm nhà máy điện sinh khối là hướng đi đúng. Trong khi nhiều nhà máy đường gặp khó khăn, nông dân không sống nổi với nghề trồng mía và phải chuyển sang trồng sắn thì hơn 10.000 hộ nông dân có hợp đồng với Công ty TNHH Công nghiệp KCP VN vẫn yên tâm trồng mía.
Tới đây tỉnh sẽ tổ chức hội thảo đánh giá toàn diện mô hình này để kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách, đặc biệt là tăng giá mua điện để khuyến khích các doanh nghiệp mía đường mạnh dạn đầu tư nhà máy điện sinh khối. Mô hình này có thể sẽ giúp duy trì và phát triển ngành mía đường và cạnh tranh được với đường Thái Lan.
TTO - Theo dự thảo vừa mới công bố của Bộ Công thương, giá mua điện mặt trời sau ngày 30-6-2019 sẽ thay đổi dựa theo 4 vùng bức xạ đối với 63 tỉnh, thành và công nghệ điện mặt trời được áp dụng.