Chuyên mục  


Will và Rose quen nhau trên mạng 10 năm trước. Rose nhanh chóng bị thu hút bởi vẻ chững chạc của chàng trai cao gầy, đeo kính, khác với những đàn ông sợ ràng buộc cô từng hẹn hò.

Trải qua nhiều thử thách, Will và Rose kết hôn. 7 năm sau, họ tậu căn hộ riêng. Sau thời gian làm việc ban ngày, hai vợ chồng ôm nhau trên giường, xem TV khi đêm đến. "Đó là thời điểm yêu thích trong ngày", Rose nói.

Nhưng cuộc hôn nhân êm đềm cũng khiến Rose không còn ham muốn tình dục, cô chia sẻ. Hai vợ chồng đã nhiều tháng không sex, nhưng không thiếu sự thân mật. Họ có "luật" không bao giờ từ chối một cái ôm, điều được hai người nhất trí nhằm giải quyết những bất đồng nhỏ nhặt trong hôn nhân.

Hai vợ chồng cũng nói chuyện thẳng thắn về việc cuộc hôn nhân an toàn, điều mà Rose trân quý, lại làm giảm ham muốn tình dục của cô như thế nào. Rose biết điều này có thể khiến chồng khó chịu, thậm chí bực bội, nhưng cô không thích ý tưởng ép mình phải quan hệ.

Will và Rose đã chấp nhận cuộc sống hôn nhân thiếu tình dục này do muốn ở bên nhau. Hai vợ chồng không quan hệ hơn một năm trong thời Covid-19, nhưng vẫn vui vẻ, cùng nhau vượt đại dịch. Thi thoảng họ tắm chung và Will hy vọng điều này sẽ dẫn đến "điều khác", nhưng anh không thúc ép.

Hai cặp đôi ở Mỹ tiệc trên bãi biển Pompano, bang Florida, hồi tháng 3/2020. Ảnh: AP

Trên thực tế, các khảo sát cho thấy người Mỹ đang quan hệ tình dục ít hơn trước đây, bất kể chủng tộc, giới tính, học vấn, tình trạng công việc. Những người thuộc thế hệ Millenials và Gen Z tại Mỹ đang quan hệ tình dục ít hơn đáng kể, có ít bạn tình hơn so với thế hệ ông bà, cha mẹ.

Khảo sát Toàn Xã hội (GSS) của Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến Quốc gia Mỹ (NORC) năm 2021 cho thấy 50% người Mỹ sinh ra trong những năm 1990 quan hệ tình dục một tháng một lần hoặc ít hơn, một nửa số này đã không sex trong cả năm.

Khảo sát năm cùng năm của Đại học California (UCLA) cũng cho thấy gần 40% thanh niên 18-30 tuổi ở thành phố California không có bạn tình, cao nhất trong một thập kỷ.

Theo các chuyên gia Mỹ, đại dịch Covid-19 đóng vai trò nhất định, nhưng xu hướng này đã có từ trước. Họ đưa ra các lý do từ công nghệ cô lập con người cho đến văn hóa đồng thuận trong sex.

Trong đó, thời đại smartphone, mạng xã hội là một trong những nguyên nhân nổi bật, khi giới trẻ Mỹ chủ yếu duy trì tình bạn qua các ứng dụng nhắn tin, gọi video.

"Rất nhiều người trẻ có bạn thân là những người chưa từng gặp mặt, thậm chí sống ở nước ngoài", Jessica Borelli, giáo sư khoa học tâm lý ở UC Irvine, cho biết. "Gặp nhau trực tiếp trở nên không cần thiết, chỉ phù hợp với người thế hệ trước".

Các ứng dụng hẹn hò cũng khiến chuyện làm quen nhau ở quán bar, cafe trở nên "cổ lỗ sĩ". Đại dịch Covid-19 ập đến chỉ như giọt nước tràn ly. "Thời người Mỹ làm quen nhau trong quán bar, tình một đêm, tình dục trong các bữa tiệc đại học đã qua", bình luận viên Los Angeles Times Hannah Fry nhận định.

Nhiều phụ nữ trẻ ở Mỹ còn đang kiêng tình dục có chủ đích, một phần được thúc đẩy bởi phong trào chống quấy rối tình dục #MeToo. Trên TikTok lan truyền làn sóng "boysober", cho rằng tạm dừng sex tiếp thêm sức mạnh cho phụ nữ vốn trước đây phải điều chỉnh ham muốn phù hợp với đàn ông. Phong trào nữ quyền "4 không" bắt nguồn từ Hàn Quốc đang lan rộng, phản đối việc sinh con, hẹn hò, kết hôn, tình dục khác giới.

Số bạn tình của người California 18-30 tuổi trong năm 2020. Đồ họa: LA Times

Quan niệm về vai trò của tình dục trong hôn nhân Mỹ cũng thay đổi đáng kể. Trước đây, tình dục được xem là cần thiết để duy trì nòi giống. Trong những năm 1990, chủ đề tình dục cởi mở hơn, được xem là gia vị cho hôn nhân hạnh phúc. Những năm 2010, nhiều vợ chồng Mỹ lên lịch sex để hâm nóng hôn nhân, phần nào nhằm tránh đổ vỡ.

Ở Mỹ những năm gần đây còn xuất hiện nhiều quan điểm cho rằng vợ chồng không cần sống chung phòng hoặc chung nhà. Một số nhà tâm lý nêu hiện tượng nhàm chán trong phòng ngủ, trong khi những người theo chủ nghĩa Platonic (hôn nhân phi tình dục) cho rằng tình dục hay lãng mạn là không cần thiết để có thể bên nhau trọn đời.

Khảo sát của truyền thông Mỹ cho thấy việc trở thành cha mẹ cũng đã thay đổi đời sống tình dục của nhiều cặp vợ chồng.

Michelle và John gặp nhau năm 2005, trải qua những năm đầu nồng cháy. Nhưng 4 năm trước, sau khi sinh con gái, Michelle bị ám ảnh, sợ rằng quan hệ tình dục sẽ khiến cô đau đớn.

John tôn trọng điều này và cả hai vẫn coi nhau là "bạn tâm giao" sau gần hai thập kỷ. Anh từ chối tìm kiếm tình dục bên ngoài, cho biết đó là lằn ranh đỏ của vợ. Michelle vẫn ám ảnh về cuộc hôn nhân tan vỡ của cha mẹ do ngoại tình.

Một số bà mẹ còn coi sex là "một việc nhà nữa" mà họ cảm thấy bị gán trách nhiệm. Keti, mẹ của một trẻ khuyết tật, chia sẻ chuyện quan hệ với chồng "như robot".

Dù chồng đang làm mọi thứ để hỗ trợ vợ, cô lại cảm thấy bản thân bị buộc phải có nghĩa vụ quay về đời sống tình dục cũ, trong khi chỉ muốn "vào rừng, nằm xuống, không nghe thấy ai hay bất cứ điều gì".

Một cặp vợ chồng Mỹ nghe tư vấn tài chính ở Los Angeles, bang California. Ảnh: AFP

Dù khẳng định tình dục không phải điều cần thiết trong hôn nhân, hầu hết các cặp vợ chồng trả lời truyền thông Mỹ vẫn theo dõi tần suất quan hệ, dường như ám ảnh về mức độ "lệch chuẩn mực truyền thống".

Rose thừa nhận cảm thấy sức nặng của kỳ vọng xã hội, trong khi Will đôi khi phải dựa vào niềm tin tôn giáo để kiềm chế ham muốn. Anh cho biết có thể bị người khác đánh giá, nhưng khẳng định việc không ép Rose quan hệ nếu vợ không muốn đã khiến anh trưởng thành.

"Tôi học được rằng dù sex nhiều, hôn nhân không phải lúc nào cũng có kết cục tốt. Quan trọng là niềm vui xuyên suốt hành trình", Will nói.

Emily Nagoski, nhà giáo dục, nghiên cứu giới tính theo chủ nghĩa Platonic, đồng tình rằng các cặp đôi không nên ép buộc phải sex đều đặn, khuyến khích khám phá thêm xu hướng tình dục.

"Không muốn quan hệ khi không thích không phải rối loạn chức năng", bà nói, lập luận tình dục tượng trưng cho sự tự do khỏi những điều bình thường.

Trong khi đó, Jean Twenge, giáo sư tâm lý học tại Đại học bang San Diego, lo ngại về tình trạng người Mỹ giảm nhu cầu tình dục trong bối cảnh tỷ lệ người trẻ không hài lòng với cuộc sống và mắc trầm cảm ở mức cao nhất mọi thời đại. Theo bà, điều này ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh quốc gia.

"An sinh xã hội Mỹ sẽ ra sao trong tương lai? Liệu có đủ lao động trẻ để hỗ trợ người già trong hệ thống, để chăm sóc họ tại các viện dưỡng lão hay không?", giáo sư Twenge đặt câu hỏi.

Đức Trung (Theo Yahoo News, Los Angeles Times)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020