Chuyên mục  


Hơn một phần năm công ty đại chúng trên thế giới đã cam kết thực hiện các mục tiêu phát thải ròng bằng không. Hơn cả giảm lượng khí thải, tham vọng này đại diện cho các cam kết đổi mới, đầu tư và ứng dụng công nghệ tương lai.

Theo một khảo sát được thực hiện từ tháng 7 đến tháng 12/2021 của Gartner, các CEO và giám đốc điều hành cấp cao lần đầu tiên đặt tính bền vững trong 10 ưu tiên kinh doanh hàng đầu của họ. Khảo sát lấy ý kiến từ hơn 400 giám đốc điều hành và các vị trí cấp cao trên toàn cầu, đại diện cho nhiều ngành công nghiệp.

Lần đầu tiên trong lịch sử cuộc khảo sát này, tính bền vững về môi trường được các CEO ưu tiên hàng đầu, nằm ở vị trí thứ 8. Gartner cho biết, tiêu chí này thậm chí còn có tầm quan trọng ngang với xây dựng niềm tin thương hiệu, các yếu tố khác biệt trong cạnh tranh. Phó chủ tịch nghiên cứu của Gartner, Mark Raskino, mô tả năm 2022 là "năm mà quan điểm của CEO thực sự thay đổi".

Nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ về giảm phát thải, ứng dụng vào vận hành, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp với VnExpress thực hiện khảo sát. Các ý kiến của doanh nghiệp sẽ được nghiên cứu, tổng hợp trong Báo cáo Phản ánh kiến nghị tháng 8/2022 của Ban IV trình Thủ tướng. Doanh nghiệp khảo sát mức độ nhận thức về giảm phát tại đây.

Raskino giải thích: "Khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chịu áp lực từ các bên liên quan, họ coi tính bền vững là những thay đổi cần thiết, là cơ hội thúc đẩy hiệu quả kinh doanh và tăng trưởng doanh thu".

Cũng theo báo cáo xây dựng doanh nghiệp mới đây của McKinsey, 92% giám đốc điều hành cho rằng trong 5 năm tới, các doanh nghiệp mới sẽ giải quyết vấn đề bền vững. 42% người tham gia đặt tính bền vững là trung tâm trong đề xuất xây dựng giá trị doanh nghiệp mới của họ.

Các tổ chức bắt đầu thúc đẩy mạnh các biện pháp môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Chỉ tính riêng từ năm 2020 đến năm 2021, số lượng các công ty cam kết thực hiện các mục tiêu bền vững đã tăng gấp ba lần so với 5 năm trước đó.

"Chúng tôi đã tăng trưởng 17,6% và cũng giảm được 6,5% lượng khí thải từ sản xuất', Jesper Brodin, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Ingka, chủ sở hữu phần lớn chuỗi cửa hàng nội thất IKEA trên toàn cầu, cho biết.

Xe đạp chở hàng của IKEA. Ảnh: IKEA

Tập đoàn này đang loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và phấn đấu hướng tới 100% năng lượng tái tạo (điện, sưởi, làm mát và nhiên liệu) trong chuỗi giá trị IKEA vào năm 2030. IKEA cho biết đã đầu tư thêm 4 tỷ euro để hỗ trợ quá trình chuyển đổi, hướng tới năng lượng tái tạo. Đến năm 2025, tập đoàn đặt mục tiêu cung cấp các dịch vụ năng lượng sạch và năng lượng mặt trời tại nhà.

Trong khi đó, Dolf van den Brink, Giám đốc điều hành Heineken tại Hà Lan, cho biết ưu tiên các hoạt động giảm phát thải trong chiến lược năm 2021 và 2022. Công ty 157 tuổi đã xây dựng lộ trình chi tiết tới "Net Zero" và một loạt các dự án sẽ được thực hiện trong ba năm tới, như xây nhà máy năng lượng mặt trời ở Nigeria và Nam Phi đến xe tải điện ở Brazil, tham gia vào một thỏa thuận mua bán điện toàn châu Âu.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26, Việt Nam cùng 146 quốc gia đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ. 147 quốc gia này chiếm gần 90% lượng phát thải khí nhà kính.

Nhiều doanh nghiệp Việt cũng cho thấy cam kết mạnh mẽ hơn về ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới COP26. Đơn cử, Nestlé Việt Nam mới đây đã giới thiệu 2 sáng kiến nằm trong mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, gồm mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất cà phê và việc tiên phong thay thế 100% ống hút nhựa bằng ống hút giấy đối với các sản phẩm uống liền có sử dụng ống hút.

Bao bì có thể tái chế là một cách trung hòa nhựa. Ảnh: Shutterstock

PRO Việt Nam (Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam), một tổ chức tiên phong phi lợi nhuận, thành lập bởi 19 công ty, tập đoàn lớn tại Việt Nam, cũng ra đời vào năm 2019, với mục đích phối hợp cùng Chính phủ cải thiện quá trình tái chế bao bì bền vững. Người đứng đầu kỳ vọng đến năm 2030, tất cả các loại vật liệu đóng gói do các công ty thành viên sản xuất ra thị trường đều sẽ được thu gom và tái chế.

"Doanh nghiệp đang có cơ hội vàng để tăng trưởng xanh. Những doanh nghiệp có hành động nhanh và toàn diện trong cuộc đua hướng tới Net Zero sẽ đạt được lợi thế của người tiên phong", ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ ESG và Kiểm toán, Công ty PwC Việt Nam nhận định.

Phong Vân

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020