Trong phần thảo luận tại họp đại hội cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (mã chứng khoán: YEG) chiều 15/6, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống bị nhà đầu tư chất vấn liệu việc bán hết cổ phiếu có phải là hành vi "tháo chạy" khỏi doanh nghiệp hay không. Câu hỏi được đưa ra trong bối cảnh ông Tống đã thoái hết vốn, đồng thời không tiếp tục tham gia HĐQT Yeah1.
Ông Tống cho biết nếu muốn "tháo chạy", ông đã làm từ lúc đầu khi Yeah1 vừa lên sàn, cổ phiếu YEG có giá 300.000 đồng/cổ phiếu. "3 năm rồi, bối cảnh chung không phải riêng Yeah1 mà các công ty niêm yết, thị trường đặc biệt khó khăn. Tôi là người xây Yeah1 từ ban đầu, luôn luôn canh cánh làm sao công ty tồn tại và phát triển", ông Tống tâm sự với cổ đông.
Ông Tống cho rằng ban điều hành đã nỗ lực hết sức, làm ngày làm đêm. Tuy nhiên, đại dịch đánh vào tham vọng tận dụng cộng đồng để phát triển thương mại số của Yeah1.
Lãnh đạo Yeah1 nhắc lại bối cảnh năm ngoái nếu không có lợi nhuận, công ty sẽ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán. Sau khi cân nhắc, ban điều hành buộc phải sử dụng những cách mà ông Tống gọi là "đau đớn" để tồn tại, bán các công ty con.
Ông Tống tự nhận mình là người luôn muốn tấn công nhưng giai đoạn tới Yeah1 sẽ phải phòng thủ, đi chậm, đi chắc. Quyết định rút khỏi Yeah1 đã được cân nhắc kỹ lưỡng, bản thân ông cho rằng đó là lựa chọn hợp lý, giúp cho công ty ở thời điểm hiện tại. Nhà sáng lập Yeah1 cũng khẳng định công ty phát triển nhờ cả bộ máy, không phụ thuộc vào ông.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống chính thức rút khỏi Yeah1 sau đại hội cổ đông ngày 15/6 (Ảnh: YEG).
Lãnh đạo doanh nghiệp đồng thời chia sẻ nhiều người nghĩ Yeah1 hoạt động trong lĩnh vực giải trí nhưng thực tế một khi đã có cộng đồng, người dùng, công ty có nhiều hướng để phát triển như tiêu dùng, tài chính đầu tư. Hai năm trước, công ty đầu tư nguồn lực để phát triển mảng tiêu dùng nhưng gặp đúng giai đoạn dịch bệnh nên không thành công.
Ông Tống cũng cho biết nhiều đơn vị cũng tìm đến Yeah1 muốn hợp tác phát triển các dự án về chuỗi khối (blockchain), tiền mã hóa (crypto) nhưng công ty chưa tham gia lĩnh vực này vì hành lang pháp lý chưa cho phép.
Đại hội cổ đông của Yeah1 đã bầu 5 thành viên vào HĐQT nhiệm kỳ mới, bao gồm 3 thành viên đang làm việc tại công ty, trong đó có Tổng giám đốc Đào Phúc Trí. Hai gương mặt mới gồm ông Trần Hoài Nam, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Thái Tuấn, một doanh nghiệp dệt may lớn hoạt động gần 30 năm và ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Công ty Chứng khoán DNSE, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Tài chính Encaptial.
Như vậy, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã chính thức rút khỏi công ty do bản thân sáng lập và điều hành trong 16 năm qua. Được thành lập vào năm 2006 với khởi đầu chỉ là một trang thông tin, Yeah1 trở thành công ty truyền thông đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Ở thời điểm niêm yết vào tháng 6/2018, cổ phiếu YEG từng trở thành hiện tượng khi có mức thị giá lên tới hơn 300.000 đồng, thuộc nhóm đắt đỏ nhất trên sàn. Tuy nhiên, giá trị cùng với kết quả kinh doanh của công ty lao dốc từ năm 2019 khi bị YouTube chấm dứt hợp tác mạng đa kênh vì những vi phạm trong quản lý nội dung.
Diễn biến giá cổ phiếu YEG trong một năm qua (Ảnh: Tradingview).
Với giá cổ phiếu hiện tại ở mức 22.900 đồng, vốn hóa của Yeah1 còn gần 800 tỷ đồng. So với thời điểm mới lên sàn, mức định giá của Yeah1 đã sụt giảm hơn 90%.