Chuyên mục  


img-253-17378173103641325812729.jpeg

Bà Alexandra Smith (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng đội ngũ nhân dịp năm mới - Ảnh: NVCC

Từ bỡ ngỡ đến yêu thích

Năm nay sẽ là năm đầu tiên bà Alexandra Smith, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM, được trải nghiệm không khí Tết truyền thống của Việt Nam. Lần đầu tiên đón Tết tại Việt Nam, bà Alexandra đã cùng đội ngũ mặc những bộ áo dài và "đu trend" chụp ảnh áo dài tại ga metro như trải nghiệm mới gần đây của giới trẻ.

"Là một người ngoại quốc, tôi đã cảm nhận không khí năm mới từ tháng 1, nhưng tại Việt Nam, cảm giác ấy chỉ thực sự rõ rệt khi Tết đến gần", bà Alexandra nói.

Theo bà Alexandra, một trong những điều khác biệt thú vị nhất giữa Giáng sinh ở Anh và Tết ở Việt Nam chính là phong tục lì xì.

Bà rất ngạc nhiên khi biết rằng độ tuổi nhận lì xì có thể khác nhau tùy theo từng người, có người sẽ không còn nhận lì xì sau khi tròn 18 tuổi, nhưng cũng có người vẫn được nhận cho đến khi kết hôn hoặc có việc làm ổn định.

Trong khi đó, ông Chris Jeffery, Phó hiệu trưởng Đại học Anh Quốc tại Việt Nam, chia sẻ về 14 lần đón Tết Nguyên đán tại Hà Nội. Ông luôn ngạc nhiên về sự hiếu khách của người Việt, khi mời ông, một người Tây, tham gia lễ Tết cùng gia đình họ.

Khi mới đến Việt Nam, mọi người đều khuyên ông nên ra khỏi thành phố trong dịp Tết, đi du lịch và thư giãn. Vì lúc này hầu hết hàng quán sẽ đóng cửa. Nhưng tự nhận bản thân có tính bướng bỉnh, ông Jeffery quyết định làm ngược lại.

"Sự xuất hiện của hoa đào và quất luôn giúp tôi cảm nhận mùa Tết. Nhiều người giao hàng, chằng cây quất cây đào trên xe máy rồi chạy trên phố và nhiều người mặc áo dài đi chụp ảnh. Đó là những cảnh tượng tuyệt vời" - ông Jeffery hồi tưởng.

Còn với Scott Green, một doanh nhân trẻ người Anh sống ở Việt Nam hơn 13 năm qua, những ngày đầu mới đến, Tết ở TP.HCM khá yên tĩnh khi bạn bè của anh đều trở về quê.

Khi đó, Scott chưa cảm nhận được sự gắn kết đặc biệt như những năm sau này, đặc biệt từ khi anh có bạn gái người Việt.

Cũng là một người nước ngoài đón Tết ở Hà Nội, Mads Werner, một doanh nhân trẻ người Đan Mạch, đã có 8 lần đón Tết Nguyên đán trong 11 năm sống ở Việt Nam.

Mads hiện điều hành Ekko, một công ty công nghệ tài chính và một số công ty trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Với Mads, Việt Nam không chỉ là nơi sinh sống, mà còn là nơi anh đã học hỏi và đóng góp cho cộng đồng.

"Bạn bè ở Đan Mạch thường đùa rằng tôi là người Việt Nam và khả năng sử dụng tiếng Việt ngày càng cải thiện. Ngay cả đồng nghiệp và bạn bè tại Việt Nam cũng bắt đầu gọi tôi là dân 'Hà Nội chính hiệu'", Mads nói.

3dfbbd48-327c-4d22-bb70-842d16b85e12-1737705160430798578288.jpeg

Mads Werner mặc bộ áo dài được chuẩn bị để đón Tết Nguyên đán năm nay tại Hà Nội - Ảnh: NVCC

Nhập gia tùy tục

Scott ban đầu thấy các phong tục ngày Tết như làm bánh chưng, thăm hỏi và lì xì đều khá lạ lẫm nhưng qua thời gian, anh dần yêu thích và hiểu giá trị của chúng.

Anh cũng từng thắc mắc người ta để tiền trong bao làm gì? Nhưng giờ đây anh đã hiểu, đây là những cách thể hiện lòng biết ơn và kết nối với mọi người, đặc biệt là với người bảo vệ ở bãi đỗ xe thân thiết của mình.

"Niềm vui và sự ngạc nhiên trong mắt họ khiến tôi cảm thấy hành động này vô giá. Không chỉ là tiền, mà đó là sự công nhận và trân trọng những công việc mỗi người cùng thực hiện trong cuộc sống" - Scott chia sẻ.

Thậm chí, Scott yêu thích lì xì đến mức nghĩ đến việc áp dụng phong tục này vào văn hóa Anh, chắc chắn sẽ giúp mọi người vui vẻ hơn.

scott5-151540-17378170551081660652170.jpeg

Scott Green chụp ảnh cùng bạn gái - Ảnh: NVCC

Một trong những hoạt động yêu thích của Scott là đốt lửa trại và xem đốt pháo ở Hải Dương, quê hương bạn gái anh. Anh ví von, vào dịp Tết, nơi đây biến thành một không gian đầy ma thuật và ồn ào nhưng vui khi những đứa trẻ trong xóm luôn hào hứng tập nói tiếng Anh với anh.

Chuẩn bị kế hoạch cho năm mới

Tết năm nay, Scott và gia đình tại Việt Nam sẽ dành thời gian để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho đám cưới sắp tới.

"Cha mẹ cô ấy đã tham khảo các thầy phong thủy để chọn ngày cưới hoàn hảo. Dù tôi không chắc đây có thực sự quan trọng hay không, nhưng tôi tin tưởng vào sự thông thái của họ. Họ đã có hơn 30 năm hạnh phúc bên nhau", Scott chia sẻ.

Scott, CEO của Vive (trước đây là Sống Thuần Chay), một tổ chức thúc đẩy lối sống bền vững, dự tính sẽ đãi khách ở đám cưới bằng các món chay, một thử thách đầy thú vị khi đối mặt với quy mô lớn của các đám cưới truyền thống ở Việt Nam.

Cũng chọn tận hưởng kỳ nghỉ bình yên ở Hà Nội, Mads Werner sẽ tận dụng dịp này tập trung vào các dự án cá nhân, thư giãn và có thể tổ chức một vài buổi gặp mặt nhỏ.

Với anh, đây là khoảng thời gian lý tưởng để suy ngẫm và tận hưởng những niềm vui giản đơn.

"Tôi thích lái xe quanh các con phố yên tĩnh của Hà Nội vào dịp Tết, tìm một quán phở còn mở cửa xuyên Tết. Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng", Mads chia sẻ.

Dịp Giáng sinh vừa qua anh đã mang nhang trầm về Đan Mạch, mùi hương này đã gắn liền với cảm giác Tết.

Mỗi lần thắp lên, nó như một tín hiệu nhắc nhở anh chậm lại, tận hưởng cuộc sống và thư giãn bên người thân, hệt như tinh thần ngày Tết Việt.

chris-jeffery2-151537-1737817287579361059659.jpeg

Ông Chris Jeffery (đeo kính, áo đỏ mận) đón Tết cùng người thân, bạn bè tại Hà Nội - Ảnh: NVCC

Khi Tết Nguyên đán diễn ra ở Việt Nam cũng là lúc nhiều nước phương Tây trở lại làm việc sôi động sau kỳ nghỉ Giáng sinh.

Ông Jeffery ở Việt Nam và sẽ có thêm thời gian để tập trung vào công việc. Dĩ nhiên, ông vẫn dành thời gian bước ra ngoài phố, thăm mọi người và suy ngẫm về những cơ hội và thử thách năm mới.

"Tôi thấy những dịp Tết trước đây, Hà Nội là một làng quê, nhưng giờ không còn như vậy nữa. Số lượng ô tô nhiều hơn, những con phố mà trước đây có thể thoải mái đi lại trong kỳ nghỉ thì giờ lại đông đúc hơn cả ngày làm việc bình thường. Điều này sẽ dễ nhận biết, đặc biệt nếu bạn sống gần những ngôi chùa", ông Jeffery nói.

Mặc dù vậy, ông đang hào hứng sắp xếp thời gian dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón năm mới, với sự hỗ trợ của người giúp việc để đảm bảo mọi việc được tươm tất.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020