Chuyên mục  


Trang tin hàng không quân sự Aviationist hôm 26/1 công bố hình ảnh tiêm kích tàng hình F-35A chạy thử trên đường băng căn cứ liên hợp Forth Worth ở bang Texas trước đó hai ngày. Máy bay có số đuôi 5269, với phần thân dưới buồng lái vẫn còn lớp sơn nền màu xanh và chưa được phủ vật liệu hấp thụ sóng radar.

"Đây là cảnh tượng rất thú vị, bởi đó là phi cơ mang biệt danh Franken-Lightning, được ghép từ xác của hai chiếc F-35A hư hỏng trước đó", biên tập viên David Cenciotti của trang tin này cho hay.

Bộ Quốc phòng Mỹ và hãng sản xuất Lockheed Martin chưa bình luận về thông tin.

Chiếc F-35A "Franken-Lightning" tại căn cứ Fort Worth ở bang Texas hôm 24/1. Ảnh: Aviationist

Franken-Lightning là dự án được Văn phòng Quản lý Chương trình F-35 (JPO) tiến hành tại bang Utah, với sự hỗ trợ của Không đoàn tiêm kích số 388 đồn trú ở căn cứ Hill, Tổ hợp Hậu cần Hàng không Ogden và nhà sản xuất Lockheed Martin.

Theo không quân Mỹ, hai tiêm kích F-35 bị hỏng có số hiệu sản xuất lần lượt là AF-27 và AF-211.

Chiếc AF-27 bị cháy động cơ khi đậu tại căn cứ không quân Eglin ở bang Florida hồi năm 2014, khiến hai phần ba máy bay bị phá hủy. Phi công kịp thoát ra ngoài an toàn, song sự cố gây thiệt hại hơn 50 triệu USD cho không quân Mỹ. AF-27 sau đó đã được tái tạo một phần để sử dụng làm thiết bị thực hành cho đội kỹ sư bảo dưỡng tại căn cứ Hill.

Chiếc AF-211 bị gãy càng mũi hồi tháng 6/2020 khi hạ cánh xuống căn cứ Hill. Phần mũi tiêm kích bị hỏng hoàn toàn, trong khi thân chính vẫn có thể phục hồi nguyên trạng.

Mỹ bắt đầu nghiên cứu khả năng ghép nối các tiêm kích F-35 hư hại từ tháng 1/2020, trước thời điểm AF-211 gặp sự cố.

Điểm khác biệt của Franken-Lightning so với các chương trình sửa chữa, khôi phục tiêm kích trước đó là dự án sẽ xây dựng tài liệu chi tiết để chuẩn hóa quy trình, giúp quá trình ghép nối tương tự trở nên dễ dàng hơn. Không quân Mỹ cũng phải thiết kế, chế tạo nhiều dụng cụ và thiết bị chuyên dụng để phục vụ dự án.

Quá trình lắp ráp tiêm kích Franken-Lightning trong ảnh công bố hồi năm 2023. Ảnh: Không quân Mỹ

Chưa rõ tổng thời gian và chi phí cho dự án này. Không quân Mỹ từ chối tiết lộ thời điểm bắt đầu triển khai dự án, chỉ nói rằng quá trình thử nghiệm có thể kết thúc vào tháng 3. Nhà sản xuất Lockheed Martin trước đó từng mất gần 5 năm và khoảng 35 triệu USD để phục hồi một chiếc F-22 bị hỏng do mài bụng trên đường băng.

Dù vậy, ngay cả khi dự án Franken-Lightning tiêu tốn tương đương, nó vẫn rẻ hơn tổng thiệt hại mà vụ cháy AF-27 gây ra. Con số này cũng chưa bằng một nửa số tiền để mua mới tiêm kích F-35A, ước tính hiện có giá khoảng 80 triệu USD một chiếc.

Franken-Lightning cũng giúp không quân Mỹ phần nào giải bài toán về thiếu hụt linh kiện thay thế, thách thức được cho là có thể ảnh hưởng tới năng lực chiến đấu của dòng F-35 trong những cuộc xung đột quy mô lớn.

Huyền Lê (Theo Aviationist, War Zone)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020