Mới đây, Ban Quản lý dự án Điện 2 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo dự án đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ (trên lãnh thổ Việt Nam) đã được đóng điện thành công.
Dự án này là một phần của kế hoạch nhập khẩu điện từ nhà máy điện gió Monsoon tại Lào, bổ sung nguồn điện 600MW cho hệ thống điện quốc gia trong giai đoạn 2024-2025.
Dự án (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam) do EVN làm chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án Điện 2 làm đại diện. Phần công trình trên lãnh thổ Việt Nam dài khoảng 44,71 km, nằm tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng. Đây là công trình đường dây mạch kép nối từ cụm Nhà máy điện gió Monsoon đến Trạm biến áp 500 kV Thạnh Mỹ thuộc tỉnh Quảng Nam.
Khởi công vào ngày 30/9/2023, EVN cho biết dự án đã vượt qua nhiều khó khăn như chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, giải phóng mặt bằng và điều kiện địa hình hiểm trở cũng như thời tiết khắc nghiệt.
Dự án đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ (trên lãnh thổ Việt Nam) đã được đóng điện thành công.
"Với sự đồng lòng và quyết tâm của các đơn vị thi công, cùng chỉ đạo quyết liệt của EVN và Ban Quản lý dự án Điện 2, công trình đã hoàn thành theo thiết kế với tất cả 90 vị trí bê tông móng và cột thép được dựng hoàn chỉnh", đại diện tập đoàn EVN nói.
Vị này nói tiếp: "Mặc dù quá trình thi công gặp nhiều khó khăn, phần dự án trên lãnh thổ Việt Nam đã hoàn thành trước 40 ngày so với mốc phát điện của dự án điện gió Monsoon ở Lào, dự kiến hoàn thành vào đầu tháng ba năm nay".
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, công trình đường dây này có khả năng truyền tải công suất tối đa 2.500 MW, góp phần nâng cao khả năng vận hành của hệ thống điện quốc gia thông qua nhập khẩu điện từ Lào.
Sau khi nhà máy điện gió Monsoon hoàn thành, dự án sẽ tiếp nhận nguồn điện nhập khẩu từ Lào với công suất 600 MW, sản lượng bình quân hàng năm đạt khoảng 1,7 tỷ kWh.
Cuối năm 2023, báo cáo của Bộ Công Thương nêu tổng công suất nguồn điện (chủ yếu thủy điện) của Lào được Thủ tướng phê duyệt chủ trương nhập khẩu là 2.689 MW. Nhưng một số chủ đầu tư cho biết không bán điện tiếp và các dự án này đều vận hành sau năm 2025, nên công suất nguồn điện tại Lào được duyệt chủ trương khoảng 1.977 MW.
Tuy vậy, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết công suất thực có thể mua được chỉ khoảng 1.300 MW, tương đương 66% chủ trương được cấp có thẩm quyền duyệt. Vì thế, ngoài thủy điện, đại diện Bộ Công Thương cho rằng có thể xem xét chấp thuận chủ trương nhập khẩu thêm các loại nguồn điện mới, như điện gió.
Lào là nước xuất khẩu điện hàng đầu thế giới
Xuất khẩu điện mang về nguồn ngoại tệ quan trọng cho Lào, đây cũng là ngành kinh tế trọng yếu của nước láng giềng Việt Nam. Trong năm 2024, Lào đặt mục tiêu sản lượng điện dự kiến sẽ vượt 51.134 triệu kWh, trị giá khoảng 41.321 tỷ kip, xuất khẩu điện ước đạt 40.446 triệu kWh, trị giá hơn 2.453 triệu USD, trong khi tiêu thụ điện trong nước ước khoảng 10.248 triệu kWh, trị giá hơn 700 triệu USD.
Điện là sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất tại Lào.
Năm 2022, Lào đã xuất khẩu 2,38 tỷ USD điện, trở thành nước xuất khẩu điện lớn thứ 17 trên thế giới, theo báo cáo thống kê của trang OEC. Cùng năm đó, điện là sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất tại Lào. Các quốc gia chính mua điện từ Lào là: Thái Lan (2,03 tỷ USD), Campuchia (188 triệu USD), Việt Nam (134 triệu USD), Singapore (24 triệu USD) và Trung Quốc (3,69 triệu USD).
Các thị trường xuất khẩu điện tăng trưởng nhanh nhất của Lào trong giai đoạn 2021-2022 là Thái Lan (235 triệu USD), Campuchia (79,6 triệu USD) và Việt Nam (66,2 triệu USD).
Xuất khẩu điện của Lào sang các nước láng giềng và các quốc gia ASEAN dự kiến sẽ tăng lên khoảng 20.000 megawatt (MW) trong giai đoạn 2020-2030. Điện được coi là nguồn thu nhập khổng lồ của Lào, đặc biệt là thông qua xuất khẩu sang các nước láng giềng và các quốc gia ASEAN như Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Myanmar và Singapore, Vientiane Times đưa tin.