Chuyên mục  


"Hầu hết là đe nẹt, dọa dẫm bằng lời thôi, nên thời gian này tôi cảm thấy khá thoải mái", chuyên gia giáo dục Chen Yen-chen, 30 tuổi, hôm 27/7 chia sẻ trong lúc chờ cuộc hẹn với bác sĩ trên một con phố đông đúc ở Đài Bắc.

Bình luận của Chen được đưa ra khi truyền thông Đài Loan và quốc tế gần đây liên tục đưa tin về khả năng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới thăm hòn đảo. Trung Quốc tuyên bố đã "chuẩn bị nghiêm túc" và không loại trừ hành động quân sự nếu chuyến thăm diễn ra.

Bất chấp lo ngại chuyến thăm có thể gây khủng hoảng lần thứ tư trên eo biển Đài Loan kể từ năm 1949, chính trị gia và quan chức đối ngoại ở Đài Loan nói rằng người dân đã quen với đe dọa quân sự từ Trung Quốc, nước chưa bao giờ loại trừ khả năng thống nhất hòn đảo bằng vũ lực.

"Đối với người dân Đài Loan, các mối đe dọa từ Trung Quốc chưa bao giờ dừng lại trong những thập kỷ qua. Nó diễn ra hàng ngày", Wang Ting-yu, nghị sĩ đảng Dân tiến cầm quyền, nói. "Đài Loan cần đề phòng, nhưng Đài Loan sẽ không lo sợ".

Tiêm kích J-16 của Trung Quốc trong một lần áp sát đảo Đài Loan. Ảnh: Cơ quan phòng vệ Đài Loan.

Alexander Huang, phụ trách các vấn đề quốc tế của chính đảng đối lập Quốc dân đảng và cũng là đại diện của đảng này tại Mỹ, cho rằng chuyến thăm của bà Pelosi sẽ được hoan nghênh.

"Tất nhiên chuyến thăm sẽ nâng tầm Đài Loan và cho thấy cam kết của Mỹ đối với Đài Loan một cách khá chính thức", ông cho hay.

Hung Chien, trợ lý văn phòng 26 tuổi, không lạ lẫm với những đe dọa của Trung Quốc về "hậu quả nghiêm trọng". "Tôi đã quen việc Trung Quốc đưa ra những tuyên bố như vậy nên không quá lo lắng", anh nói.

Trong một số trường hợp, giới phân tích cho rằng mối đe dọa quân sự khiến hòn đảo thêm quyết tâm đối đầu với Bắc Kinh. Chẳng hạn, trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996, quân đội Trung Quốc đã phóng tên lửa vào vùng biển xung quanh Đài Loan trước khi hòn đảo tiến hành cuộc bỏ phiếu trực tiếp đầu tiên bầu lãnh đạo.

Động thái đó được nhiều người hiểu là lời cảnh báo chống lại việc ủng hộ ứng viên bị Bắc Kinh coi là thúc đẩy hòn đảo độc lập. Tuy nhiên, ứng viên bị Trung Quốc phản đối khi đó là Lý Đăng Huy giành chiến thắng áp đảo.

Đối với chính quyền Đài Loan, vốn tránh bình luận về các chuyến thăm tiềm năng của quan chức Mỹ, chuyến đi của bà Pelosi có thể mang lại rắc rối, nhưng đồng thời cũng có thể thúc đẩy sự hỗ trợ rất cần thiết cho hòn đảo đang bị cô lập về mặt ngoại giao, vốn chỉ có quan hệ chính thức với 14 quốc gia.

"Nếu bà ấy đến thăm, tầm vóc quốc tế của Đài Loan sẽ được tăng cường đáng kể và sẽ khuyến khích thêm nhiều đồng minh hành động để ủng hộ Đài Loan", một nguồn tin giấu tên trong chính quyền Đài Loan cho biết.

Bài đăng trên Financial Times tuần trước cho biết bà Pelosi sẽ dẫn đầu phái đoàn tới Đài Loan vào tháng 8. Nếu kế hoạch được thực hiện, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Hạ viện Mỹ tới hòn đảo trong 25 năm qua. Bà Pelosi cũng sẽ là nhà lập pháp cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan kể từ khi cựu chủ tịch Newt Gingrich tới đây năm 1997.

Bà Pelosi hồi tháng 4 từng dự định thăm Đài Loan, nhưng chuyến đi bị hoãn sau khi bà có kết quả dương tính với Covid-19. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi đó chỉ trích chuyến đi là "hành động khiêu khích ác ý".

Đầu tháng này, ông Vương tiếp tục nói với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng Washington không nên gửi bất kỳ tín hiệu nào ủng hộ "Đài Loan độc lập".

Eo biển Đài Loan và hòn đảo cùng tên. Đồ họa: CSIS.

Huyền Lê (Theo Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020