Chuyên mục  


che_bien_thuy_san_moi_truong.jpgẢnh minh họa. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)

Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các cơ sở chế biến thủy sản có quy mô nhỏ đang diễn ra ở nhiều địa phương. Điều này đòi hỏi phải có các biện pháp, công nghệ thu gom, xử lý chất thải phù hợp để ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động chế biến thủy sản, bảo vệ môi trường.

Hải Phòng được biết đến với những thương hiệu lớn trong ngành thủy sản như Công ty Chế biến Thủy sản Xuất khẩu Hạ Long, Công ty Chế biến Thủy sản Xuất khẩu Hải Phòng-Nhà máy Chế biến Thủy sản F42, Xí nghiệp Chế biến Thủy sản Seasafico… Đặc biệt, Hải Phòng phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm chế biến thủy sản trọng điểm của cả nước.

Hải Phòng hiện có 156 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản, thủy sản và muối. Trong số đó có 60 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản. Các cơ sở chế biến chủ yếu quy mô nhỏ lẻ (hộ gia đình), quy trình sản xuất đơn giản, trang thiết bị còn thiếu, trình độ công nghệ chế biến chưa cao, sản phẩm xuất khẩu không đáng kể.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hải Phòng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đối với đa số các cơ sở chế biến nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố không lớn do quy mô, sản lượng nhỏ. Nhưng về lâu dài việc tích tụ chất thải của các cơ sở sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nếu không có các biện pháp thu gom, xử lý chất thải phù hợp, theo đúng quy định.

Tỉnh Thanh Hóa cũng có 22 doanh nghiệp chuyên chế biến, kinh doanh thủy sản với tổng công suất khoảng 170 nghìn tấn nguyên liệu/năm. Trong số đó có sáu doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp đã lập hồ sơ, thủ tục về môi trường; đã thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động theo nội dung đã cam kết trong hồ sơ, thủ tục về môi trường.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở chưa thực hiện đúng, đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, chưa đầu tư xây dựng đồng bộ hoặc có xây dựng nhưng không đúng tiêu chuẩn, công suất xử lý, không vận hành thường xuyên, chất thải chưa được thu gom và xử lý triệt để chất thải trước khi môi trường.

[Quảng Trị: Nguồn nước trên Sông Sa Lung có màu đen, bốc mùi hôi thối]

Theo ông Lê Minh Lương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa, hạ tầng kỹ thuật phục vụ bảo vệ môi trường ở một số khu công nghiệp, khu sản xuất tập trung chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều cơ sở chế biến thủy, hải sản nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết triệt để, trong đó có các cơ sở chế biến thủy, hải sản.

“Cần tiếp tục thực hiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa,” ông Lê Minh Lương cho hay.

Ông Nguyễn Công Thành, Viện Nghiên cứu Hải sản, xác định trọng tâm của phát sinh ô nhiễm trong chế biến thủy sản là vấn đề nước thải. Qua điều tra cho thấy, tỷ lệ các cơ sở chế biến thủy sản có hệ thống xử lý nước thải đến nay còn rất thấp so với yêu cầu. Do nhiều nguyên nhân chất lượng nước sau khi xử lý, của một số hệ thống xử lý nước thải vẫn chưa đạt các tiêu chuẩn môi trường.

Nhằm hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp về công nghệ xử lý nước thải, đơn vị đã tiến hành khảo sát hiệu quả xử lý các thành phần ô nhiễm trong nước thải chế biến thủy sản bằng một số mô hình thực nghiệm.

Theo ông Nguyễn Công Thành, mô hình quản lý tổng hợp môi trường đối với làng nghề chế biến hải sản truyền thống được xây dựng trên cơ sở khắc phục, bổ sung những tồn tại, hạn chế trong quản lý, bảo vệ môi trường đang thực hiện tại làng nghề. Theo đó, nâng cao vai trò của trưởng thôn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã kết hợp cùng cán bộ chuyên môn tài nguyên môi trường, các ngành của xã và tổ cán bộ chuyên môn vệ sinh môi trường thôn gắn kết với hộ gia đình.

Hiện Viện Nghiên cứu Hải sản đang áp dụng mô hình quản lý tổng hợp môi trường tại làng nghề chế biến hải sản khô xã Gio Việt, Gio Linh (Quảng Trị); làng nghề chế biến nước mắm xã Phong Hải, Phong Điền, (Thừa Thiên Huế)...

che_bien_thuy_san_moi_truong_2.jpgẢnh minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Công Thành đề xuất cần định kỳ đánh giá thực trạng trong quản lý, bảo vệ môi trường, đánh giá nguồn và lượng thải trong chế biến thủy sản. Đồng thời, xây dựng, hướng dẫn và nhân rộng thực hiện các giải pháp quản lý, biện pháp kỹ thuật bảo vệ môi trường trong các làng nghề chế biến thủy sản, cơ sở chế biến quy mô nhỏ phục vụ hoàn thành tiêu chí nông thôn mới, an toàn thực phẩm.

Có các nghiên cứu xây dựng, áp dụng và hỗ trợ cơ sở chế biến thủy sản giảm thiểu nguồn thải, những công nghệ xử lý tiên tiến, tăng hiệu quả xử lý, giảm chi phí và thân thiện với môi trường.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Cục Thủy sản, nhằm kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường…, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Bảo vệ Môi trường trong Hoạt động Thủy sản giai đoạn 2021-2030.

Đến năm 2030, nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học.../.

Bích Hồng (TTXVN/Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020