Chuyên mục  


"Từ khi chính quyền mới lên nắm quyền, chúng tôi đã lên chiến lược tìm cách kiểm soát lại Bajo de Masinloc, đặc biệt là vùng nước bên trong", Jay Tarriela, phát ngôn viên lực lượng cảnh sát biển Philippines (PCG) ngày 27/9 tuyên bố.

Bajo de Masinloc là tên Philippines gọi bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, nơi Trung Quốc gọi là Hoàng Nham. Bãi cạn này là rạn san hô vòng chỉ có một lối vào duy nhất, với vùng nước bên trong rộng khoảng 150 km2 từng được coi là ngư trường truyền thống của ngư dân Philippines.

Jay Tarriela, phát ngôn viên lực lượng cảnh sát biển Philippines. Ảnh: PCG

Philippines từng kiểm soát bãi cạn này, nhưng các tàu công vụ, tàu cá của họ bị đẩy ra khu vực sau hai tháng đối đầu căng thẳng với Trung Quốc hồi năm 2012. Kể từ đó, Trung Quốc duy trì kiểm soát liên tục với Scarborough, nằm cách đảo chính Luzon của Philippines khoảng 230 km và cách bờ biển đông nam Trung Quốc khoảng 1.000 km.

Ông Tarriela cho biết mục tiêu tái kiểm soát Scarborough được lực lượng vũ trang Philippines cũng như Cục Ngư nghiệp và Nguồn lợi Thủy sản (BFAR) ủng hộ.

"Trong nhiều tháng qua, tàu chúng tôi đã điều chỉnh hiện diện và có lúc thả neo cách bãi cạn khoảng 300 mét. Điều này sẽ được duy trì trong những ngày tới, nhưng tôi không muốn công khai cách thức chi tiết", ông nói.

Vị trí bãi cạn Scarborough trên Biển Đông. Đồ họa: CSIS

Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc về Scarborough gần đây gia tăng khi cảnh sát biển Philippines hôm 24/9 công bố hình ảnh cho thấy hải cảnh Trung Quốc thả dây phao, tạo thành rào nổi dài khoảng 300 mét chắn lối vào bãi cạn.

Thợ lặn cảnh sát biển Philippines hôm 25/6 cắt dây phao này theo chỉ đạo của Tổng thống Ferdinand Marcos. Bắc Kinh sau đó cảnh báo Manila không khiêu khích hay gây rối. Đáp lại, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Eduardo Ano tuyên bố họ có quyền tháo gỡ bất cứ hàng rào, chướng ngại vật nào tại Scarborough.

Tarriela dẫn lời ngư dân Philippines cho biết hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần thả dây phao ở Scarborough nhằm ngăn tàu cá đi vào vùng nước nông, nơi có nhiều cá hơn. Tàu cá Philippines chỉ có thể hoạt động ở rìa bên ngoài bãi cạn, do lối vào duy nhất thường xuyên có tàu Trung Quốc án ngữ kể từ năm 2012.

philippines-cat-day-phao-o-scarborough-1695890648.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oBE1WmzastpfDIW91oZpww
Philippines cắt dây phao ở Scarborough

Video do cảnh sát biển Philippines công bố cho thấy thợ lặn cắt dây phao gần Scarborough. Video: CSB Philippines

Hai ngày sau khi cắt dây phao, Manila kêu gọi ngư dân duy trì hoạt động ở bãi cạn. "Chúng tôi sẽ cho thế giới thấy người Philippines không lùi bước và vẫn thực hiện bất kỳ điều gì cần thiết để duy trì hiện diện trong khu vực", phát ngôn viên PCG nói.

Cùng ngày, phó đô đốc Alberto Carlos, chỉ huy Bộ tư lệnh miền Tây (WESCOM) quân đội Philippines, tuyên bố họ sẽ dỡ bỏ bất kỳ dây phao nổi nào mà hải cảnh Trung Quốc có thể bố trí ở các khu vực tranh chấp. "Họ rải gì thì chúng tôi gỡ cái đó", ông nói.

Trung Quốc chưa bình luận về tuyên bố này.

Gan Yu, phát ngôn viên hải cảnh Trung Quốc, ngày 27/9 xác nhận lực lượng này đã rải dây phao gần Scarborough để ngăn tàu Philippines "xâm nhập trái phép". Hải cảnh Trung Quốc sau đó đã "chủ động thu hồi" dây phao và tiếp tục kiểm soát bãi cạn, Gan nói thêm.

Dây phao tại bãi cạn Scarborough. Ảnh: PCG

Đức Trung (Theo Manila Times)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020