Chuyên mục  


Hàng chục quốc gia từ châu Âu đến châu Á đã đưa Nam Phi và các nước láng giềng vào danh sách cấm nhập cảnh kể từ sau khi biến chủng Omicron được phát hiện vào ngày 25/11. Biện pháp này đã khiến nhiều lãnh đạo châu Phi giận dữ.

"Chúng tôi kêu gọi tất cả những quốc gia đã áp đặt lệnh cấm đi lại đối với đất nước chúng tôi và các quốc gia láng giềng của chúng tôi ở khu vực phía nam châu Phi lập tức và khẩn cấp đảo ngược quyết định của họ", Tổng thống Ramaphosa tuyên bố trong bài phát biểu đầu tiên trước quốc gia sau khi phát hiện biến chủng mới vào tuần trước.

s2-reutersmedia-net-2044-1638145293.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7u1xICjwuPN6rUa9AAPTvg

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa dự lễ khai mạc hội nghị lao động thường niên của Tổ chức Lao động Quốc tế tại Geneva, Thụy Sĩ, hồi tháng 6/2019. Ảnh: Reuters.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi Omicron là một biến chủng "đáng lo ngại", trong khi các nhà khoa học đang tiếp tục đánh giá độc lực của nó.

Một số nước đã áp lệnh cấm hạn chế đi lại đối với người dân đến từ khu vực phía nam châu Phi gồm Qatar, Mỹ, Anh, Arab Saudi, Kuwait và Hà Lan.

Tổng thống Malawi Lazarus Chakwera sáng qua cáo buộc phương Tây đang tạo ra hiệu ứng "ám ảnh" quá đà với người dân châu Phi khi đóng biên giới.

Ở Botswana, quốc gia Nam Phi khác đã phát hiện chủng Omicron, hai bộ trưởng đã cảnh báo về hành vi "địa chính trị hóa chủng virus này".

"Chúng tôi lo ngại rằng dường như đã xuất hiện những động thái nhằm bêu xấu đất nước nơi nó được phát hiện", Bộ trưởng Y tế Botswana Edwin Dikoloti nói.

Lãnh đạo WHO châu Phi Matshidiso Moeti cũng tỏ ra quan ngại. "Biến chủng Omicron đã được phát hiện ở một số khu vực trên thế giới, áp dụng lệnh cấm đi lại với châu Phi sẽ là đòn tấn công vào đoàn kết toàn cầu", ông nhấn mạnh.

Tổng thống Nam Phi Ramaphosa cho rằng cấm đi lại "sẽ gây tổn hại thêm cho các nền kinh tế, đồng thời làm suy yếu khả năng ứng phó và phục hồi của họ sau đại dịch".

Nam Phi đang phải vật lộn với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm và tỷ lệ thất nghiệp cao, tới hơn 34%.

"Thay vì cấm đi lại, những nước giàu có trên thế giới cần hỗ trợ nỗ lực của các nền kinh tế đang phát triển để tiếp cận và sản xuất đủ liều vaccine cho người dân mà không bị chậm trễ", Tổng thống Ramaphosa nói. "Những hạn chế này là bất hợp lý".

WHO cũng cảnh báo các quốc gia không nên vội vàng áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại mà nên thực hiện "các phương pháp tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro và khoa học".

Vũ Hoàng (Theo AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020