Chuyên mục  


Nhà Trắng ngày 11/7 thông báo Mỹ cùng Canada và Phần Lan thành lập liên minh Nỗ lực Hợp tác Tàu phá băng (Hiệp ước ICE), với mục tiêu "đảm bảo hòa bình, hợp tác và thịnh vượng tại vùng cực" cùng các khu vực lân cận. Liên minh sẽ tập trung trước tiên vào đóng tàu phá băng và phát triển những nguồn lực dành cho hoạt động tại Bắc Cực.

"Trong vòng 6 tháng tới, các nước sẽ cùng thảo luận và triển khai kế hoạch hợp tác đóng tàu, với trình độ kỹ thuật cao và tác động quan trọng đến lợi ích cũng như nghĩa vụ của đồng minh lẫn đối tác ở các vùng Bắc Cực và Nam Cực", Nhà Trắng nêu trong thông cáo.

Tàu phá băng Polar Star của Tuần duyên Mỹ tại Nam Cực ngày 17/1/2022. Ảnh: USCG

Canada sẽ tiên phong đóng hai tàu phá băng ở cảng Vancouver và 6 tàu tại cảng Quebec. Ba nước kỳ vọng liên minh sẽ sản xuất khoảng 90 tàu phá băng trong vài năm tới. ICE vẫn để ngỏ phương án kết nạp thêm thành viên và sẵn sàng mở rộng quy mô hoạt động.

"Các tuyến đường biển mới và ngắn hơn ở Bắc Cực đang mở ra cơ hội kinh tế mới, giảm chi phí vận chuyển. Đối với khu vực Nam Cực, sáng kiến này có thể thúc đẩy nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế", chính phủ Canada nêu trong thông cáo.

Canada và Mỹ là hai nước đang gặp nhiều thách thức trong lĩnh vực đóng tàu phá băng, đặc biệt là những loại tàu hạng nặng và có thể hoạt động sâu trong vùng cực. Trong khi đó, Phần Lan có lợi thế về công nghệ và từng là một trong những đối tác cung cấp vỏ tàu phá băng cho Nga trước khi chiến sự Ukraine nổ ra.

Canada đề ra chiến lược đóng tàu quốc gia hơn 10 năm trước, đặt mục tiêu phát triển tàu phá băng, nhưng đến tháng 5 mới hoàn thành khoảng 70% thiết kế mẫu tàu mới. Trong khi đó, lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) hồi tháng 1 cũng cảnh báo cần bổ sung thêm 8-10 tàu phá băng vào biên chế càng sớm càng tốt, do đội tàu hiện nay đã lạc hậu.

Giới chức Mỹ ngày 10/7 cho biết hiệp ước ICE có ý nghĩa chiến lược không chỉ trên phương diện công nghiệp mà còn nhằm "phát thông điệp" đến các cường quốc khác rằng Mỹ và đồng minh sẽ tăng cường hiện diện ở các vùng cực.

Mỹ ước tính Nga đang sở hữu ít nhất 40 tàu phá băng và đang tiếp tục đóng thêm tàu thế hệ mới. Trong khi đó, Trung Quốc đã đặt mục tiêu trở thành "cường quốc vùng cực" vào năm 2030, đang đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và quan hệ kinh tế với các quốc gia Bắc Cực, đặc biệt là Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 1 đã cho khởi công tàu phá băng hạt nhân thế hệ thứ năm thuộc Đề án 22220, có chiều dài 173,3 m và rộng 34 m, nặng 33.540 tấn, được đánh giá là loại tàu phá băng lớn và mạnh nhất thế giới.

Thanh Danh (Theo CBC, Reuters, Guardian)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020