Tại hội nghị thượng đỉnh NATO đang diễn ra ở Washington, Mỹ, lãnh đạo và bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên sẽ thảo luận về cách "giải quyết những thách thức liên minh đang đối mặt", cũng như tăng cường năng lực răn đe và phòng thủ của khối trong thế kỷ 21.
Hội nghị còn thảo luận hai vấn đề quan trọng, gồm xung đột Ukraine và cách quản lý chuỗi cung ứng - mua sắm quốc phòng của NATO. Đây là hai chủ đề có liên quan mật thiết với nhau, thể hiện tham vọng của NATO trong đánh bại Nga về cuộc đua vũ khí, theo giới quan sát.
Lãnh đạo các nước chụp ảnh tại hội nghị thượng đỉnh NATO 2024 hôm 9/7. Ảnh: NATO
NATO được cho là đã đạt được thắng lợi lớn với những cam kết về chuyển giao vũ khí cho Ukraine ngay từ ngày đầu khai mạc hội nghị, đặc biệt là tuyên bố cung cấp 5 tổ hợp phòng không chiến lược cho Kiev, cũng như thông báo về việc chuyển giao những tiêm kích F-16 đầu tiên cho nước này.
Các tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Nga đang là bên chiếm ưu thế trên chiến trường Ukraine, cũng như thắng thế trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Nước này đang sản xuất đạn pháo "nhiều gấp gần ba lần" Mỹ và châu Âu cộng lại, CNN hồi tháng 3 dẫn báo cáo tình báo của NATO cho biết. Ngoài ra, đạn pháo của Nga cũng "rẻ bằng 1/4 phương Tây", theo nghiên cứu công bố hồi tháng 5 của công ty Bain & Company có trụ sở tại Mỹ.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ từng trì hoãn viện trợ bổ sung cho Ukraine trong thời gian dài.
Tháng 6/2023, các nước châu Âu đã đề xuất một gói viện trợ mới, trong đó có hỗ trợ nhân đạo và tài chính cho Ukraine. Tuy nhiên, khoản viện trợ này đã bị đình trệ trong nhiều tháng do các nước EU gặp bất đồng về tổng giá trị của gói, tác động của nó và cách phân phối.
Phải mất nhiều tháng tranh luận, gói viện trợ mới được thông qua vào đầu năm 2024. Nói cách khác, viện trợ của EU dành cho Ukraine đã bị đóng băng trong 8 tháng.
Tương tự, gói hỗ trợ nhân đạo, quốc phòng trị giá nhiều tỷ USD của Mỹ cho Ukraine cũng đã mắc kẹt tại quốc hội nước này từ tháng 8/2023 và chỉ được phê duyệt hồi tháng 4.
Ngay cả khi các gói viện trợ không bị chặn, năng lực sản xuất đạn dược của phương Tây cũng được cho là chưa đáp ứng nổi nhu cầu của Ukraine.
Tài liệu nội bộ hồi tháng 1 của Rheinmetall, tập đoàn vũ khí hàng đầu châu Âu, tiết lộ sản lượng đạn pháo 155 mm của EU chỉ đạt mức 550.000 viên một năm tính đến đầu năm 2024, thấp hơn nhiều so với con số một triệu viên mà Brussels từng công bố, đồng nghĩa khối không thể đáp ứng được cam kết viện trợ đạn pháo với Ukraine.
Việc nguồn cung từ phương Tây bị trì hoãn khiến quân đội Ukraine đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đạn dược trong nhiều tháng và liên tiếp bị Nga đẩy lùi ở nhiều mặt trận.
Bộ Quốc phòng Ukraine hồi tháng 1 cho biết pháo binh Nga khi đó bắn đạn pháo nhiều gấp 5-10 lần họ, trong khi nhiều đơn vị của Kiev thường xuyên phàn nàn về việc thiếu đạn.
Xe tăng Ukraine ở tiền tuyến trong bức ảnh đăng ngày 9/7. Ảnh: Quân đội Ukraine
Ukraine thời gian qua cũng liên tục hứng chịu thiệt hại lớn ở hậu phương sau các cuộc tập kích tầm xa bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga, mới nhất là cuộc tấn công hôm 8/7 khiến ít nhất 43 người thiệt mạng, do không có đủ hệ thống phòng không và tên lửa đánh chặn.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy nhiều lần kêu gọi phương Tây chuyển giao thêm khí tài phòng không để đối phó các cuộc tấn công của Nga, song mới chỉ được đáp ứng một cách nhỏ giọt.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 9/7 nhận định xung đột tại Ukraine đã cho thấy những "khoảng trống nghiêm trọng" về năng lực sản xuất vũ khí của khối, đồng thời thừa nhận liên minh chưa đáp ứng được nhu cầu trên chiến trường của Kiev.
"Xét tới diễn biến trong một năm qua, các nước NATO nhận ra cần hợp tác chặt chẽ hơn với Ukraine để đảm bảo họ giành chiến thắng trong cuộc chiến. Giải quyết vấn đề mua sắm quốc phòng là việc điều tiên cần phải làm", Mark Temnycky, chuyên gia tại Trung tâm Á - Âu thuộc viện nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở ở Mỹ, cho biết khi bình luận về hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay.
Temnycky cho biết có ít nhất ba lĩnh vực NATO cần phải giải quyết trong cuộc đua vũ khí với Nga. Thứ nhất, liên minh nên khuyến khích hoạt động chia sẻ công nghệ quân sự để tăng cường khả năng tương tác giữa các thành viên. Điều này sẽ giúp các nước NATO sản xuất vũ khí hiệu quả hơn và xử lý các trở ngại còn tồn đọng.
NATO có hơn 1.000 tiêu chuẩn quân sự chung cho các quy trình và vật liệu chế tạo vũ khí, nhưng việc áp dụng tiêu chuẩn nào lại phụ thuộc vào từng nước thành viên. Khối đã cố gắng tiêu chuẩn hóa trang thiết bị quân sự, đặc biệt là đạn dược, để chúng có thể hoán đổi giữa các quốc gia thành viên với nhau, nhưng nỗ lực này đến nay vẫn còn hạn chế.
Hệ quả là các thành viên NATO đang sản xuất và chuyển giao cho Ukraine những loại vũ khí không có nhiều điểm chung và cũng không thể dùng chung những loại đạn tốt nhất. Trong khi Mỹ, Australia và Canada cung cấp lựu pháo M777, Pháp lại chuyển giao pháo tự hành Caesar, của Đức là Panzerhaubitze 2000 (PzH 2000), còn Ba Lan là AHS Krab.
Chia sẻ thông tin "giúp giảm sự trùng lặp, cho phép tổng hợp các nguồn lực và tạo ra sự cộng hưởng giữa các thành viên", theo NATO.
Điều đó cũng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho ngành công nghiệp quốc phòng tại một số quốc gia NATO nòng cốt như Mỹ và Anh, buộc các thành viên khác của khối phải đóng góp nhiều hơn vào lĩnh vực này, cũng như góp phần tăng cường an ninh tập thể.
Sau khi hoạt động chia sẻ thông tin được thiết lập và tăng cường, các nước NATO có thể tận dụng những năng lực kỹ thuật mới thu được để mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng của mình. Ví dụ, các nhà máy vũ khí đã lỗi thời ở Mỹ và châu Âu sẽ được tân trang để có thể sản xuất những khí tài mới và hiện đại hơn.
"Điều này cho phép phương Tây phát triển vũ khí và thiết bị nhanh chóng hơn, qua đó cung cấp cho Ukraine những công cụ cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc xung đột", Temnycky nêu quan điểm.
Ngoài ra, tăng cường sản xuất quốc phòng còn giúp NATO lấp đầy kho vũ khí đang dần cạn kiệt do phải viện trợ số lượng lớn cho Ukraine. Đây cũng là cơ hội để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân Mỹ và châu Âu, qua đó gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dây chuyền sản xuất đạn pháo 155 mm tại nhà máy ở bang Pennsylvania, Mỹ hồi tháng 4. Ảnh: AFP
Cuối cùng, sản xuất vũ khí hiệu quả và nhanh chóng hơn sẽ giúp hoạt động viện trợ quân sự cho Ukraine không còn bị trì hoãn.
"Khi vũ khí được sản xuất vượt mức, các nước NATO sẽ có nhiều trang thiết bị trong kho hơn và có thể chuyển giao cho Ukraine một cách dễ dàng", Temnycky cho biết. "Ngoài ra, bên cạnh sản xuất mới, một số nước phương Tây đã chọn cách tân trang khí tài cũ, qua đó giảm chậm trễ trong việc cung cấp hàng viện trợ".
Dù vậy, việc tăng cường năng lực mua sắm quốc phòng của NATO sẽ mất khá nhiều thời gian và không dễ dàng, đòi hỏi toàn bộ 32 thành viên của khối phải hợp tác chặt chẽ.
Tiếp tục trì hoãn viện trợ cho Ukraine sẽ tạo điều kiện để Nga củng cố năng lực phòng thủ và thúc đẩy hoạt động sản xuất vũ khí để tiếp tục giành lợi thế trong cuộc đua với phương Tây, Temnycky cảnh báo.
"Nếu NATO thực sự nghiêm túc với mục tiêu giúp Ukraine chiến thắng trong cuộc xung đột, khối cần giải quyết các thiếu sót về vấn đề đạn dược và tăng cường mua sắm quốc phòng. Trong trường hợp các gói viện trợ kế tiếp cho Ukraine bị trì hoãn, xung đột tại nước này có thể biến thành một cuộc chiến không hồi kết. Đó là điều không ai mong muốn", chuyên gia của Trung tâm Á - Âu cho hay.
Phạm Giang (Theo Defense News)