Trên Reuters, Alexei Podshchekoldin - Chủ tịch Hiệp hội Các đại lý xe hơi Nga cho biết Bắc Kinh và Moskva đang phải thực hiện các cách phức tạp để việc thanh toán không bị trì hoãn. Một trong số đó là sử dụng các ngân hàng địa phương nhỏ của Trung Quốc.
Lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ lên các ngân hàng Trung Quốc xử lý giao dịch thương mại với Nga đã khiến nhiều nhà băng lớn ngần ngại. Họ có thể bị cắt nguồn cung USD nếu vi phạm. Quy định này được Mỹ đưa ra đầu tháng trước.
Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng với các hãng nhập khẩu nhỏ. Hậu quả là Trung Quốc xuất khẩu được ít xe hơn. Các hãng nhập khẩu của Nga thì mất nguồn cung và đối mặt với rủi ro chi phí tăng.
Xe điện Zeekr của Geely (Trung Quốc) tại một đại lý ở Moskva (Nga). Ảnh: Reuters
Từ năm 2014, Nga đã bắt đầu giảm phụ thuộc vào USD sau khi sáp nhập Crimea. Năm 2018, khi Mỹ áp thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế, họ bắt đầu bán trái phiếu chính phủ Mỹ và tìm cách giao dịch bằng ruble cũng như các tiền tệ khác. Đến 2022, sau khi bị phương Tây áp lệnh trừng phạt vì chiến sự Ukraine, Moskva càng tăng tốc quá trình này. Trung Quốc cũng muốn giảm phụ thuộc vào USD để kiểm soát rủi ro.
Sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, các hãng xe Trung Quốc tràn vào Nga và hiện chiếm nửa thị phần nước này. Số liệu của hải quan Trung Quốc cho biết 5 tháng đầu năm, xuất khẩu xe hơi của nền kinh tế thứ hai thế giới sang Nga tăng 36% về giá trị so với năm ngoái, gần 4,9 tỷ USD.
"Các chi nhánh ngân hàng Nga ở Trung Quốc cho mở tài khoản bằng đồng ruble, nhưng giao dịch không thực hiện được nữa. Tiền nằm trong ngân hàng và không đi đâu", Podshchekoldin nói.
Trước đây, hoạt động thương mại có sự tham gia của các ngân hàng lớn ở Nga và Trung Quốc. Nhưng họ dần bị chặn và thêm vào danh sách trừng phạt. Sau đó, mọi hoạt động dồn về các ngân hàng nhỏ hơn.
"Đây là vấn đề rất lớn. Các hãng sản xuất lớn nhất của chúng tôi cũng gặp khó khăn khi mua linh kiện ôtô", Podshchekoldin nói. Ông kỳ vọng có ngân hàng liên doanh hoặc cách thanh toán điện tử nào đó để giải quyết vấn đề này.
Podshchekoldin cũng đưa ra ý tưởng về giao dịch hàng đổi hàng. Tuy nhiên, cách này khó khả thi, vì giới chức hai nước sẽ phải thống nhất về giá xe, linh kiện. "Cách này có thể thực hiện với các loại hàng hóa như dầu, lúa mỳ, đường hay khí đốt. Nhưng làm thế nào với xe hơi? Gần như là không thể", ông nói.
Hà Thu (theo Reuters)