"Hôm nay tôi tự hào thông báo rằng Mỹ đã tiêu hủy an toàn số bom, đạn cuối cùng trong kho dự trữ đó, đưa chúng ta tiến một bước gần hơn đến một thế giới không còn nỗi kinh hoàng của vũ khí hóa học", Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 7/7 thông báo.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Công ước về Vũ khí Hóa học (CWC), có hiệu lực từ năm 1997. Theo công ước, các quốc gia có nghĩa vụ khai báo và tiêu hủy kho dự trữ vũ khí hóa học của họ. Mỹ là bên cuối cùng ký CWC.
Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) gọi việc Mỹ tiêu hủy vũ khí hóa học cuối cùng là "thành công lịch sử trong giải trừ quân bị". OPCW cho biết thông báo của Mỹ đồng nghĩa toàn bộ kho dự trữ vũ khí hóa học đã biết trên thế giới "được xác minh là bị tiêu hủy và không thể đảo ngược".
Kỹ thuật viên đưa đạn hóa học tới khu vực tiêu hủy tại Pueblo, bang Colorado, Mỹ ngày 8/6. Ảnh: AP
Thông báo tiêu hủy hoàn toàn kho vũ khí hóa học được Tổng thống Biden đưa ra sau khi một cơ sở của lục quân Mỹ tại bang Kentucky cho biết đã hoàn thành công việc loại bỏ khoảng 500 tấn chất độc gây chết người. Mỹ từng cất giữ nhiều loại đạn pháo và rocket chứa khí mù tạt, chất độc thần kinh VX và Sarin.
Nga thông báo tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học vào tháng 9/2017, hoàn thành nghĩa vụ theo CWC trước Mỹ 6 năm. Nga ký CWC năm 1993 và khởi động chương trình tiêu hủy vũ khí sau đó ba năm, đồng thời cam kết hoàn thành quá trình trước năm 2020.
Vũ khí hóa học được sử dụng rộng rãi trong Thế chiến I cách đây hơn một thế kỷ, gây ra thương vong lớn cho lực lượng các bên tham chiến. Điều này khiến vũ khí hóa học bị lên án mạnh mẽ sau Thế chiến I.
Trong Thế chiến II, vũ khí hóa học không được sử dụng nhiều như Thế chiến I. Một số quốc gia sau Thế chiến II tiếp tục cất giữ và phát triển vũ khí hóa học. Theo thống kê sau khi CWC có hiệu lực tháng 4/1997, thế giới có tổng cộng 72.000 tấn vũ khí hóa học
Nguyễn Tiến (Theo AFP)