Chuyên mục  


Dmitry Rogozin, lãnh đạo nhóm cố vấn quân sự "Sói Sa hoàng" của Nga, hôm 6/7 thông báo nước này đã thu được quả tên lửa hành trình Storm Shadow gần như nguyên vẹn sau khi nó rơi xuống khu vực giao tranh ở Ukraine.

"Quả đạn vừa được chuyển đến một doanh nghiệp quốc phòng Nga, cho phép họ giải mã thuật toán, hệ thống điều khiển và chia sẻ thông tin cho các chuyên gia phòng không", Rogozin cho hay.

Giới chuyên gia quân sự phương Tây nhận định Nga có thể thu được nhiều lợi ích từ quá trình mổ xẻ, nghiên cứu quả đạn Storm Shadow, khi nó rơi vào tay quân đội Nga trong trạng thái đầy đủ thân vỏ, hệ thống điều khiển và đầu đạn nổ xuyên đa tầng BROACH.

chien-dich-cua-nga-nham-thu-ten-lua-storm-shadow-giua-lan-da-1688702032.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GM6Sdbbg32ldGRV5JcO7Zg
Chiến dịch của Nga nhằm thu tên lửa Storm Shadow giữa làn đạn

Tên lửa Storm Shadow bị lực lượng Nga thu giữ trong video công bố hôm 6/7. Video: 1TV

Tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow/SCALP EG do Anh và Pháp hợp tác phát triển, có tốc độ tối đa 1.000 km/h, đủ sức đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 250-560 km tùy biến thể. Mỗi quả đạn có giá hơn 3 triệu USD. Không quân Ukraine sử dụng chúng để tấn công những mục tiêu giá trị cao, được lưới phòng không bảo vệ và nằm sâu trong lãnh thổ Nga kiểm soát.

"Nguy cơ tên lửa Storm Shadow bị đánh chặn hoặc gặp trục trặc và lao xuống đất rồi bị Nga thu giữ được dự báo từ trước và chắc chắn Anh đã tính đến vấn đề trên khi viện trợ chúng cho Kiev", chuyên gia Tyler Rogoway viết chuyên trang quân sự Warzone của Mỹ.

Theo ông, đây là lý do Ukraine đã áp dụng nhiều biện pháp hiện đại, trong đó có triển khai mồi bẫy ADM-160B do Mỹ chế tạo, để tăng khả năng sống sót cho tên lửa Storm Shadow trên đường bay tới mục tiêu. "Bởi vậy, để quả đạn nguyên vẹn rơi vào tay Nga là điều rất đáng lo ngại", chuyên gia này nhận định.

Chưa rõ lý do tên lửa Storm Shadow rơi xuống mà không phát nổ, nhưng Rogozin cho biết nó chỉ bị phá hủy một phần do quỹ đạo rơi rất phẳng và "nó gần như hạ cánh xuống đất". Lực lượng Nga đã tháo rời và đưa quả đạn khỏi chiến trường, bất chấp hỏa lực pháo binh và nỗ lực ngăn chặn của các nhóm thám báo Ukraine.

Theo các chuyên gia quân sự, lợi ích đầu tiên mà Nga thu được khi nghiên cứu quả đạn là hiểu rõ tính năng kỹ chiến thuật của mẫu tên lửa hành trình có tầm bắn xa nhất mà Ukraine được chuyển giao.

Tên lửa Storm Shadow có tính năng tàng hình, đặc biệt là ở mặt trước, nhằm ẩn mình trước các hệ thống phòng không đối phương. Việc xem xét vật liệu chế tạo và nguyên lý thiết kế từ quả đạn thu được có thể giúp Nga xác định mức độ phản xạ radar cụ thể của tên lửa, cho phép xây dựng phương án phát hiện chúng từ xa.

Phóng viên Nga bên cạnh một phần thân tên lửa Storm Shadow. Ảnh: 1TV

Đầu đạn BROACH của Storm Shadow cũng được trang bị cho bom lượn AGM-154 JSOW-C do Mỹ chế tạo. Nó gồm liều nổ lõm sơ cấp để xuyên phá vỏ giáp xe tăng, bê tông cốt thép và nền đất, mở đường cho đầu đạn nổ phá cỡ lớn lao vào bên trong và gây sát thương tối đa. Loại đầu đạn này giúp tên lửa Storm Shadow có khả năng tấn công, phá hủy mục tiêu kiên cố vốn chỉ xuất hiện trên các loại bom cỡ lớn dẫn đường bằng laser.

"Nga cũng có thể nghiên cứu động cơ tên lửa để thu thập tin tức tình báo. Tuy nhiên, kho báu quý nhất trên quả đạn thu được là các thiết bị điện tử, trong đó chủ yếu là hệ thống dẫn đường và nhắm bắn mục tiêu", Rogoway nhận định.

Storm Shadow sử dụng hệ thống định vị quán tính, dẫn đường vệ tinh và khớp ảnh địa hình trong quá trình bay tới mục tiêu, sau đó kích hoạt đầu dò ảnh nhiệt độ phân giải cao với hệ thống nhận diện mục tiêu tự động (ATR).

ATR hoạt động bằng cách so sánh hình ảnh thu từ đầu dò ở pha cuối với cơ sở dữ liệu được nạp trước khi bay. Máy tính trung tâm sẽ xác nhận mục tiêu và điều khiển tên lửa lao xuống, thậm chí có thể nhằm vào điểm yếu nhất của mục tiêu. Hệ thống này vận hành hoàn toàn tự động với độ chính xác rất cao và không cần con người can thiệp, khiến nó miễn nhiễm với các phương thức gây nhiễu vô tuyến.

"Nếu hệ thống cảm biến, máy tính điện tử, phần mềm trên quả tên lửa không bị phá hủy hoàn toàn, Nga có thể khôi phục hoạt động của chúng và tìm hiểu về tham số vận hành, cũng như quy trình khóa mục tiêu và điểm yếu của ATR. Điều này sẽ giúp Nga tìm biện pháp đối phó, cũng như cải thiện năng lực vũ khí nội địa", chuyên gia Mỹ cảnh báo.

Có nhiều động thái cho thấy Nga đang áp dụng biện pháp đối phó với Storm Shadow và những vũ khí phương Tây được trang bị ATR trong tương lai. Một trong số đó là sơn đen phần mũi và đuôi các tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen, nhằm thay đổi hình dáng được cảm biến đối phương ghi nhận.

Tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP EG treo dưới bụng tiêm kích Pháp. Ảnh: MBDA

Rogoway cho rằng Storm Shadow là tên lửa tương đối tiên tiến, nhưng không phải vũ khí hiện đại nhất của phương Tây hiện nay và việc một quả đạn rơi vào tay Nga sẽ không thay đổi tình hình chiến trường.

"Dù vậy, nghiên cứu quả đạn hoàn chỉnh vẫn giúp họ thu được những thông tin vô giá, không thể lấy được bằng những phương thức tình báo truyền thống", chuyên gia Mỹ nêu quan điểm.

Rogozin, người phụ trách chiến dịch mạo hiểm trong hai ngày dưới làn đạn pháo Ukraine để thu hồi quả đạn, bày tỏ tự tin về thành quả Nga có được. "Tôi hy vọng kết quả nghiên cứu sẽ giúp ngành công nghiệp quốc phòng Nga tìm ra phương thức vô hiệu hóa hoàn toàn loại tên lửa này", ông nói.

Vũ Anh (Theo Drive)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020