Thiếu tướng Patrick Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, ngày 19/12 thông báo khoảng 2.000 lính Mỹ đang có mặt tại Syria. Các binh sĩ bổ sung được điều tới Syria cách đây ít nhất vài tháng.
Ông Ryder khẳng định chỉ vừa biết về con số mới và đợt điều động không liên quan tới cuộc lật đổ ông al-Assad của phe đối lập, việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gia tăng hoạt động hay chiến dịch chống nhóm này.
Trước đó, Lầu Năm Góc nhiều lần được hỏi về quy mô lực lượng Mỹ tại Syria sau khi chính quyền cựu tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ ngày 8/12, song cơ quan này lặp lại con số 900 binh sĩ và không nhắc về số quân bổ sung.
Binh sĩ Mỹ đi tuần tại đông bắc Syria ngày 3/10. Ảnh: US Army
Ông Ryder cho biết Mỹ trước đó không công bố việc tăng quân tại Syria sau khi cân nhắc về mặt ngoại giao và các vấn đề nhạy cảm, song từ chối nêu chi tiết. Mỹ từ lâu có bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, hai quốc gia láng giềng của Syria, về hiện diện quân sự của họ tại quốc gia Trung Đông này.
Tướng Ryder nói ông chưa thấy có kế hoạch điều chỉnh nào đối với quy mô lực lượng Mỹ tại Syria trong tương lai. Điều này có thể thay đổi trong nhiệm kỳ của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông từng nhấn mạnh Mỹ cần đứng ngoài xung đột ở Syria.
Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc, việc Mỹ tăng quân tại Syria "chỉ là tạm thời" và các binh sĩ tới đây để tăng cường chiến dịch chống IS. Các đơn vị thông thường và đặc nhiệm của lục quân Mỹ chiếm phần lớn trong lực lượng bổ sung nói trên.
Các binh sĩ Mỹ luân phiên ra vào Syria trong gần một thập kỷ qua. Trong hai năm qua, lượng binh sĩ Mỹ tại Syria được cho là luôn cao hơn con số 900 người mà các quan chức nước này nhiều lần nhắc đến.
Cục diện Syria. Đồ họa: Al Jazeera
Khi được hỏi liệu Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin có chỉ đạo cấp dưới giữ bí mật về thông tin 2.000 binh sĩ Mỹ đang có mặt tại Syria hay không, tướng Ryder đáp "không". Ông cho biết Bộ trưởng Austin chưa thảo luận với đại tướng Michael Kurilla, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm của Mỹ phụ trách khu vực Trung Đông, về vấn đề trên.
Sau khi liên minh quân nổi dậy do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu lật đổ chính phủ cựu tổng thống al-Assad, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ triển khai hoạt động trên lãnh thổ Syria hoặc gần biên giới với nước này. Mỹ cũng tăng đáng kể tần suất không kích mục tiêu IS tại Syria do lo ngại nhóm này tái lập lực lượng nhân lúc Syria rối loạn.
Quân đội Mỹ triển khai lực lượng tới Syria dưới thời cựu tổng thống Barack Obama với lý do chống IS. Mỹ rút phần lớn lực lượng khỏi Syria sau khi IS bị đánh bại, nhưng vẫn duy trì một số căn cứ quân sự và tiếp tục phối hợp với các nhóm vũ trang đối lập để chống tàn dư IS.
Nguyễn Tiến (Theo AFP, AP)