Truyền thông Mỹ ngày 16/1 dẫn thông báo của Trung tâm Tên lửa và Hàng không thuộc Bộ tư lệnh Phát triển Năng lực Chiến đấu Lục quân Mỹ (DEVCOM AvMC) cho biết cơ quan này đã thử nghiệm thành công đầu dò cho phiên bản hai của Tên lửa Tấn công Chính xác (PrSM).
PrSM phiên bản cũ sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính hỗ trợ bởi định vị vệ tinh GPS, còn phiên bản vừa thử nghiệm được bổ sung đầu dò radar thụ động kết hợp với đầu dò ảnh hồng ngoại.
Tên lửa sẽ sử dụng công nghệ dẫn đường quán tính hỗ trợ bởi GPS để đến gần khu vực có mục tiêu, sau đó kích hoạt các đầu dò khác ở pha cuối. Đầu dò radar thụ động thu tín hiệu vô tuyến từ radar hoặc thiết bị liên lạc của đối phương để điều chỉnh hướng bay, trước khi sử dụng cảm biến ảnh hồng ngoại để khóa và lao vào mục tiêu.
Cơ chế này giúp tên lửa PrSM có thể tập kích các mục tiêu di động như chiến hạm, thay vì chỉ nhắm vào các vật thể cố định như phiên bản gốc. Việc sử dụng nhiều hệ thống dẫn đường khác nhau giúp tên lửa "miễn nhiễm" với các biện pháp tác chiến điện tử của đối phương.
Chiến sự Ukraine chứng minh tầm quan trọng của tác chiến điện tử, khi hàng loạt hệ thống vũ khí tấn công chính xác sử dụng tín hiệu GPS mà Mỹ viện trợ cho Ukraine đã bị Nga gây nhiễu, không thể đánh trúng mục tiêu.
Tên lửa Tấn công Chính xác (PrSM). Ảnh: Lockheed Martin
Đầu dò radar thụ động cũng giúp tên lửa PrSM có thể tập kích hiệu quả các mục tiêu như hệ thống phòng không, bằng cách bám bắt tín hiệu radar của chúng. Mẫu tên lửa này còn có thể đạt tốc độ siêu vượt âm hoặc gần thế ở pha cuối, khiến việc đánh chặn nó rất khó.
PrSM là tên lửa đạn đạo tầm ngắn do tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin phát triển, nhằm thay thế cho dòng Tên lửa Lục quân Chiến thuật (ATACMS) đời cũ. PrSM được trang bị đầu đạn nổ mạnh nặng 90 kg, tầm bắn 500-650 km, gần gấp đôi biến thể ATACMS đời mới nhất.
Nó cũng có thể được khai hỏa từ pháo phản lực HIMARS và Tổ hợp Pháo phản lực Phóng loạt (MLRS) M270 giống như ATACMS. Pháo M270 nạp được 4 tên lửa PrSM cùng một lúc, trong khi HIMARS chỉ có thể nạp tối đa hai quả.
Lục quân Mỹ tháng 12 năm ngoái xác nhận đã được chuyển giao lô PrSM phiên bản một đầu tiên, song không tiết lộ số lượng. PrSM phiên bản hai được kỳ vọng sẽ giúp quân đội Mỹ nâng cao đáng kể năng lực tập kích chiến hạm đối phương từ đất liền, nhằm chuẩn bị cho kịch bản xảy ra xung đột trên biển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phiên bản này dự kiến được chuyển giao cho lục quân Mỹ vào năm 2026. Quân đội nước này cũng đang phát triển phiên bản ba và 4 của tên lửa PrSM với tầm bắn xa hơn cùng nhiều tính năng hiện đại hơn.
Phạm Giang (Theo Drive, Defense News)