Chuyên mục  


Cuối tháng 6, Bộ Tài chính thông báo hoàn tất thanh tra quy trình bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) của 4 doanh nghiệp gồm Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife. Theo đó, hoạt động này còn phát sinh nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới với khách hàng.

Tại kết luận thanh tra, Bộ cũng nêu chi tiết từng sai phạm trong hoạt động bán bảo hiểm thông qua ngân hàng. Số liệu thu về trong năm 2021 và các thời kỳ liên quan đồng thời cho thấy loại sản phẩm này đang đem lại nguồn thu lớn cho các doanh nghiệp.

Nguồn thu lớn từ kênh ngân hàng

Cụ thể đối với Prudential, tính riêng năm 2021, công ty này triển khai bán bảo hiểm thông qua hàng loạt ngân hàng như VIB, MSB, Seabank, Standard Chartered, UOB, Shinhan, Pvcombank và Vietbank.

Trong báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh này đạt 6.184 tỷ đồng, tương ứng 21,48% tổng doanh thu phí. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancassurance đạt 3.700 tỷ đồng, tương ứng 54,89% tổng doanh thu phí khai thác mới.

Prudential hạch toán chi phí chi trả cho các đại lý bảo hiểm là ngân hàng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tổng số tiền là 1.972 tỷ đồng.

hoangha.jpeg

Các doanh nghiệp thu hàng nghìn tỷ đồng từ kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng. Ảnh: H.H.

Một doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn nước ngoài được thành lập tại Việt Nam khác là Sun Life ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm trong năm 2021 đạt 2.038 tỷ đồng, chiếm 61,15% tổng doanh thu phí. Doanh thu khai thác mới qua kênh bancass đạt 1.907 tỷ đồng, tương ứng 82,27% doanh thu phí khai thác mới.

Năm 2021, Sun Life triển khai bán bảo hiểm thông qua ngân hàng ACB và TPBank. Trong đó doanh thu phí bảo hiểm từ ACB chiếm phần lớn, khoảng 61,26%.

Trong khi đó, MB Ageas thu về 4.466 tỷ đồng phí bảo hiểm qua ngân hàng MB và công ty tài chính M.Credit, con số này chiếm 78% tổng doanh thu phí bảo hiểm. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancassurance đạt 2.820 tỷ đồng, tương ứng 74% tổng doanh thu phí khai thác mới.

BIDV Metlife năm 2021 chỉ triển khai bán bảo hiểm thông qua ngân hàng duy nhất là BIDV. Doanh thu phí bảo hiểm triển khai qua kênh này đạt 1.553 tỷ đồng đồng, tương ứng 99,2% tổng doanh thu phí. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua BIDV đạt 452 tỷ đồng, chiếm 98,3% tổng doanh thu phí khai thác mới.

Tỷ lệ huỷ hợp đồng sau năm đầu tiên cao

Dù hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua kênh ngân hàng giúp thu về hàng chục nghìn hợp đồng cùng doanh thu khổng lồ, cả 4 doanh nghiệp đều ghi nhận tỷ lệ duy trì hợp đồng năm thứ nhất tương đối hạn chế.

Điển hình như Sun Life phát hành 80.117 hợp đồng mới qua kênh bancassurance trong năm 2021 nhưng đã có 3.247 hợp đồng bị huỷ bỏ trong thời gian cân nhắc. Tỷ lệ huỷ bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) của các hợp đồng phát hành qua TPBank và ACB lần lượt là 73% và 39%.

Prudential trong năm 2021 là đơn vị phát hành nhiều hợp đồng qua kênh bancassurance nhất, hơn 94.400 hợp đồng. Song tỷ lệ duy trì hợp đồng năm thứ nhất cũng chỉ đạt 59%, tương ứng tỷ lệ huỷ, mất hiệu lực là 41%.

TỶ LỆ HUỶ HỢP ĐỒNG SAU NĂM ĐẦU TIÊN
Nhãn Prudential Sun Life (tại TPBank) BIDV Metlife MB Ageas
Tỷ lệ huỷ % 41 73 39.4 32.4

MB Ageas phát hành 66.757 hợp đồng qua kênh bancassurance, trong đó 3.946 hợp đồng bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc, tương ứng với tỷ lệ 5,91%. Tỷ lệ huỷ bỏ và chấm dứt hợp đồng sau năm thứ nhất đạt 32,4%.

Đối với BIDV Metlife, đơn vị này phát hành tổng cộng 21.123 hợp đồng qua kênh ngân hàng. Tỷ lệ huỷ sau năm thứ nhất đạt 39,4%.

Trong quá trình thanh tra chọn mẫu ngẫu nhiên đối với đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết cả 4 doanh nghiệp đều có số lượng trường hợp sai phạm lớn.

Ví dụ như Sun Life phát hiện 44 trường hợp chưa thực hiện đúng quy định khi bán bảo hiểm. Trong đó một số trường hợp (cả đại lý lẫn nhân viên ngân hàng) để người khác ký thay bên mua bảo hiểm tại các hồ sơ, biên nhận.

Ngoài ra thanh tra Bộ cũng phát hiện 5 trường hợp đại lý kênh bancassurance không được đào tạo, đi thi chứng chỉ đại lý (do cán bộ đào tạo nhập nhầm điểm, đại lý còn hoạt động tại doanh nghiệp bảo hiểm khác) nhưng được công ty cấp chứng chỉ đại lý.

Hay như BIDV Metlife có 3 cán bộ thực hiện nhiệm vụ đào tạo đại lý bảo hiểm nhưng căn cứ để chứng minh về kiến thức pháp luật chưa rõ ràng. Ngoài ra thanh tra cũng ghi nhận 21 trường hợp đại lý, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định khi bán bảo hiểm.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020