"Chúng tôi hiểu rằng các nước phương Tây đang đi theo con đường leo thang. Nga sẽ dùng mọi cách cần thiết để vô hiệu hóa mối đe dọa đi kèm với những bước gia tăng căng thẳng như vậy", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết hôm nay.
Phát biểu được quan chức Nga đưa ra sau khi tướng Christian Freuding, người đứng đầu nhóm làm việc phụ trách điều phối viện trợ quân sự cho Ukraine của Bộ Quốc phòng Đức, tuyên bố không loại trừ khả năng tên lửa Patriot sẽ được dùng để tấn công mục tiêu đường không trên vùng trời Nga.
Bệ phóng Patriot được lục quân Mỹ triển khai ở Croatia tháng 5/2021. Ảnh: US Army
Cuộc thảo luận về cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây tập kích Nga đã trở nên sôi nổi từ nhiều tuần trước, khi Kiev đối mặt áp lực quân sự ngày càng lớn ở nhiều mặt trận.
Một số đồng minh của Mỹ đã có những bước đi tiên phong. Anh hồi tháng 5 cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa Storm Shadow/SCALP EG để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Pháp và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đưa ra quan điểm ủng hộ Kiev dùng vũ khí phương Tây thực hiện những cuộc tấn công như vậy.
Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken ngày 31/5 xác nhận Tổng thống Joe Biden chấp thuận cho Ukraine dùng vũ khí Mỹ để tấn công cơ sở quân sự mà Nga đang sử dụng để tấn công Kharkov. Đây là lần đầu tiên Mỹ cho phép Ukraine dùng vũ khí hiện đại mà họ cung cấp để nhắm vào trận địa pháo, tên lửa và sở chỉ huy trong lãnh thổ Nga, một cường quốc hạt nhân.
Thay đổi này là kết quả của quá trình gây sức ép lâu dài của các cố vấn, đồng minh chủ chốt của Tổng thống Biden, người vốn phản đối do lo ngại nguy cơ đẩy cuộc chiến lên mức độ leo thang mới và có thể làm bùng phát xung đột trực diện giữa Nga với NATO.
Vũ Anh (Theo TASS, Reuters)