Sáng 17/1, ngày thứ hai làm việc, đại diện VKSND Hà Nội công bố bản luận tội với 10 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Sài Gòn Đại Ninh.
Ông Mai Tiến Dũng không xuất hiện tại hàng ghế bị cáo, bị VKS đề nghị 24-30 tháng tù cho hưởng án treo với cáo buộc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng tội danh, bà Trần Bích Ngọc, cựu Vụ trưởng Vụ I Văn phòng Chính phủ bị VKS đề nghị bằng thời hạn tạm giam (từ 10/8/2023 đến 31/10/2024); ông Nguyễn Hồng Giang, cựu Cục trưởng Cục II, Thanh tra Chính phủ, bị đề nghị 24-36 tháng tù.
Ở nhóm 6 bị cáo tội Nhận hối lộ, VKS đề nghị tòa tuyên cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận, 5-6 năm tù; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp: 7-8 năm tù; cựu Phó cục trưởng Cục II Thanh tra Chính phủ Lê Quốc Khanh: 4-5 năm tù; Hoàng Văn Xuân, cựu thanh tra viên chính Cục II: 3-4 năm tù; Nguyễn Nho Định, cựu thanh tra viên chính Cục II: 2-3 năm tù; cựu Chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Ánh: 3-4 năm tù.
Là người duy nhất bị truy tố tội Đưa hối lộ, VKS đề nghị phạt ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang; Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh, án 3-4 năm tù.
VKS đánh giá, các bị cáo trong vụ án đều có học hàm, học vị cao nên đầy đủ nhận thức để biết rõ đâu là hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên vì động cơ vụ lợi, động cơ cá nhân, họ đã phạm tội.
VKS ghi nhận nhiều bị cáo có các thành tích "đặc biệt xuất sắc trong công tác", có nhiều bằng khen, giấy khen. Ông Trí đã nộp khắc phục 242 tỷ đồng, ông Dũng 580 triệu đồng, ông Quận 2,1 tỷ đồng, ông Hiệp 4,2 tỷ đồng... nên VKS đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Ông Mai Tiến Dũng đội mũ, đeo khẩu trang được người thân dìu, che chắn rời tòa. Ảnh: Phạm Dự
Theo bản luận tội của VKS hôm nay, ông Trí mua lại dự án khu đô thị nghỉ dưỡng Đại Ninh tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng sau khi Thanh tra Chính phủ đã có kết luận 929 chỉ ra nhiều vi phạm, kiến nghị tỉnh chấm dứt hoạt động, thu hồi đất. Sử dụng các mối quan hệ để tác động, kết hợp đưa hối lộ, ông Trí được giúp sửa kết luận thanh tra, chấp thuận cho gia hạn dự án.
Sau khi Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến đồng ý của Phó thủ tướng Thường trực, Thanh tra Chính phủ lập tổ công tác xác minh. Từ đó, dự án của ông Trí không bị thu hồi và tiếp tục cho gia hạn, giãn tiến độ.
Theo cáo buộc, suốt quá trình thanh tra, 4 cán bộ thanh tra đã nhận tiền từ ông Trí. Cụ thể, ông Khanh nhận 500 triệu đồng (hưởng lợi 450 triệu), ông Xuân nhận 150 triệu đồng (hưởng lợi 130 triệu), ông Định nhận 70 triệu đồng, ông Ánh nhận 100 triệu đồng.
Bằng mối quan hệ, ông Trí còn liên hệ gửi đơn để tác động, thay đổi đăng ký kinh doanh, thay đổi người đại diện pháp luật. Quá trình xin các thủ tục này, ông Trí đã nhiều lần gặp ông Quận nhờ giúp đỡ, 5 lần đưa hối lộ tổng 2,1 tỷ đồng.
Ông Trí còn 7 lần đưa tiền cho ông Hiệp, tổng 4,2 tỷ đồng.
Sau khi "bẻ lái" lấy lại được dự án, Công ty Lavender của ông Trí và Công ty Thiên Vương của Tập đoàn Novaland ký hợp đồng thỏa thuận nguyên tắc chuyển nhượng 100% cổ phần tại Sài Gòn Đại Ninh, tổng trị giá 27.600 tỷ đồng. Doanh nghiệp của ông Trí sau đó đã nhận thanh toán từ Novaland 2.700 tỷ đồng.
Với số tiền 2.700 tỷ đồng ông Trí nhận của Novaland xuất phát từ chuỗi hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo và những người khác trong vụ án. Trong đó có một phần lỗi, trách nhiệm của Novaland trong việc giao dịch, ký kết hợp đồng không đúng quy định pháp luật nên cần tịch thu sung công quỹ số tiền trên.
Với nhóm cán bộ Thanh tra Chính phủ, VKS cho rằng các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao và thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên là ông Trần Văn Minh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ (đã chết) để thực hiện các hành vi sai phạm. Trong quá trình giải quyết đơn, thành viên tổ công tác thanh tra còn nhận tiền của ông Trí để giúp đỡ công ty được gia hạn, giãn tiến độ dự án.
Riêng với bị cáo Nho Định, VKS cho rằng người này đã được áp dụng biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh sau một năm bị bắt tạm giam. Tuy nhiên tại tòa, bị cáo Định lại khai báo quanh co, đổ lỗi trách nhiệm. Lời khai này mâu thuẫn với lời khai của những người khác và chính lời khai trước đó của bị cáo, cùng các chứng cứ thu thập được nên tòa cần xem xét khi quyết định mức hình phạt.
Cựu Chủ tịch Trần Văn Hiệp và các bị cáo tại tòa. Ảnh: Xuân Hoa
Tại tòa, ông Mai Tiến Dũng khai quen Nguyễn Cao Trí từ cuối năm 2019 khi cùng tháp tùng Thủ tướng đi công tác nước ngoài. Ông Trí sau đó thường xuyên qua lại Văn phòng Chính phủ, rồi nhờ ông Dũng chuyển giúp đơn kiến nghị xin ý kiến lãnh đạo Chính phủ, chuyển sang Thanh tra Chính phủ.
Nội dung đơn không nằm trong lĩnh vực phụ trách song ông Dũng vẫn chuyển giúp, bút phê "chuyển vụ I". Mỗi ngày, ông thường chuyển 50-70 dạng đơn như vậy.
Ông Dũng thừa nhận hành vi của mình là sai, trong đó có việc nhận 200 triệu đồng và nhờ hỗ trợ 380 triệu đồng tiền mua quà lưu niệm. Ông nói "không mặc cả hay thỏa thuận gì" với ông Trí và hơn nữa "bản thân cũng yếu lắm rồi" nên mong tòa xem xét cho hưởng khoan hồng.
Đại gia Nguyễn Cao Trí tại tòa khai rằng quá trình xin tháo gỡ cho dự án phải gặp hết chỗ này đến chỗ khác, tỉnh, sở, ban ngành. Khi công việc chậm, ông nôn nóng nên chỉ có cách "đi năn nỉ thuyết phục, không được thì lại gửi quà", bị xoáy vào cái vòng đó".
Nói về tội Đưa hối lộ, ông Trí cho rằng bị cuốn theo công việc của một doanh nhân, muốn hoàn thành công việc nên đưa quà, đưa tiền. Trong hai năm bị tạm giam ông nhận thức sâu sắc chuyện đó và nhận tội, "nhưng nó rất là đau đớn".
Về số tiền 2.700 tỷ đồng nhận từ Novaland, ông Trí đề nghị HĐXX xem xét thận trọng việc tịch thu. Theo ông, thực chất đây là giao dịch ngay tình của hai doanh nghiệp, không dính trực tiếp đến hành vi đưa hối lộ của bị cáo. Vì vậy ông thấy nên để hai doanh nghiệp tự giải quyết theo trình tự dân sự, không tịch thu.
Ngoài ra, ông Trí còn hai lần đưa hối lộ cho ông Trần Văn Minh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ tổng 10 tỷ đồng. Hành vi của ông Minh có đủ dấu hiệu của tội Nhận hối lộ song đã chết nên VKS đề nghị không xem xét trách nhiệm hình sự nhưng cần thu hồi số tiền đã nhận hối lộ.