Người dân có thể kiểm tra thông tin thuế trên ứng dụng eTax Mobile được Tổng cục Thuế triển khai từ năm 2021 - Ảnh: HỒNG PHÚC
Không biết có nợ thuế không
Bộ Tài Chính đang lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định về ngưỡng nợ thuế và thời gian nợ với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh.
Theo phương án đề xuất, các cá nhân, chủ hộ kinh doanh và doanh nghiệp nợ thuế từ 120 ngày sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh; trong đó, mức nợ thuế với cá nhân là từ 10 triệu đồng còn với doanh nghiệp là từ 100 triệu đồng (áp dụng với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp).
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, chị K.N, chủ một spa tại Bình Thạnh ngỡ ngàng khi biết thông tin đề xuất của Bộ Tài chính.
Chị N hiện kinh doanh spa theo mô hình hộ kinh doanh, đóng thuế theo năm.
Trước năm 2020, chị thường được một nhân viên thuế trao đổi thông tin qua Zalo nhưng sau đại dịch, nhân viên này nghỉ việc khiến chị N không biết liên lạc với đầu mối nào khác.
Khi lướt mạng thấy đề xuất của Bộ Tài chính, chị N ủng hộ với mục tiêu của cơ quan thuế trong việc chống thất thu thuế nhưng đồng thời cũng bày tỏ sự lo lắng.
"Lo không phải vì mình phải đóng thuế vì đó là nghĩa vụ, mà lo vì không biết có nợ không. Làm sao để biết?" chị N thắc mắc.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, cơ quan thuế sẽ thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế qua phương thức điện tử. Nếu không gửi được bằng cách này, cơ quan quản lý sẽ thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan thuế.
Dù vậy, những hộ kinh doanh như chị N đặt câu hỏi về tính hiệu quả của việc thông báo khi có khả năng một số cá nhân hay chủ hộ kinh doanh không nhận được thông tin.
Ngoài ra, đã có những trường hợp người dân kiểm tra trên hệ thống eTax cho kết quả không nợ thuế nhưng sau đó lại thông báo nợ thuế, bị truy thu và chịu phạt.
"Thuế họ thông báo cảm giác chưa hiệu quả, cứ để im rồi khi con số lớn kiểu lũy tiến họ mới báo bị chậm nộp. Thuế khoán mỗi năm một nhích. Nếu nói tạo điều kiện cho làm ăn kinh doanh thì phải đảm bảo thông báo đúng người biết..." chị N chia sẻ.
Còn với các cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn thương mại điện tử lại càng lo lắng hơn. Anh L.T, cá nhân kinh doanh hàng nội địa Trung Quốc thường phải di chuyển giữa các nước để kiểm tra nguồn hàng. Nếu bị tạm hoãn xuất cảnh, việc kinh doanh sẽ bị xáo trộn.
Theo quy định thì người nộp thuế tự tính, tự kê khai trung thực và nộp thuế đầy đủ. Cơ quan thuế sẽ kiểm tra việc nộp và xử phạt khi thấy sai phạm.
Anh T đánh giá, cơ quan thuế đang ngày càng "ráo riết" trong vấn đề thuế nhằm đảm bảo tránh thất thu thuế.
Một số bạn bè của anh T kinh doanh qua sàn trong vài năm gần đây bị truy thu hàng trăm triệu đồng chậm nộp.
Nhìn "gương" từ bạn, anh T cho biết sắp tới phải thuê kế toán viên tư vấn các dịch vụ liên quan đến thuế khi bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Tránh thiếu sót trong truyền đạt thông tin
Theo Luật sư Nguyễn Văn Lộc, chủ tịch LP Group, Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý thuế về ngưỡng nợ thuế và thời gian nợ đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh với các chỉ số mang tính định lượng là vấn đề quan trọng trong quản lý hành chính; đặc biệt ở lĩnh vực kinh tế.
Việc xác định ngưỡng nợ thuế (số tiền nợ tối thiểu) và thời gian nợ cụ thể để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh (cần thời gian để điều chỉnh) là điều cần thiết. Việc này giúp cơ quan thuế có cơ sở rõ ràng để thực hiện và tránh áp dụng tùy tiện.
Nhưng, sẽ là không hợp lý nếu áp dụng biện pháp chế tài xuất nhập cảnh (như tạm hoãn xuất cảnh) với những người không cố ý vi phạm hoặc không biết rằng mình đang nợ thuế.
Theo Luật sư Lộc, cơ quan thuế đã thực hiện việc rà soát hoạt động tại trụ sở doanh nghiệp, làm việc với đối tượng nợ thuế hay tạm thời khóa mã số thuế từ năm 2023. Nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời và không toàn diện, có thể gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp không thể thuê mặt bằng sau đại dịch COVID-19.
Ví dụ, khi trụ sở không còn hoạt động, việc khóa mã số thuế sẽ khiến doanh nghiệp có thể bị phạt vì khai báo thuế trễ.
Thêm vào đó, vấn đề thiếu sót trong truyền đạt thông tin cũng cần được quan tâm. Người nộp thuế có thể không nhận được thông báo trực tiếp nên không biết về tình trạng của mình (bị khóa mã số thuế, bị phạt), dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ.
Vì vậy, cơ quan thuế cần đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế để họ hiểu và tuân thủ đúng quy định. Ngoài ra, cần nâng cao, đa dạng các phương thức liên lạc.
"Cần xây dựng các cách thức thông tin hiệu quả hơn, như kết hợp với quản lý hành chính về dân cư, để đảm bảo thông báo đến đúng người. Nếu cá nhân hoặc doanh nghiệp vẫn cố tình chây ỳ sau khi nhận thông tin, việc xử lý vi phạm mới là phương án cuối cùng," Luật sư Nguyễn Văn Lộc, chủ tịch LP Group chia sẻ.