Chuyên mục  


4h ngày 13/2, còi báo động vang lên trên tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower của Mỹ đang trực chiến ở Biển Đỏ, cảnh báo về sự xuất hiện của một thiết bị bay không người lái (UAV) do lực lượng Houthi phóng nhằm vào tàu thuyền gần đó. Thủy thủ đoàn lập tức chuẩn bị để sẵn sàng triển khai tiêm kích đánh chặn đòn đánh.

Tuy chiếc UAV sau đó được xác định không phải là mối nguy hiểm, sự việc cho thấy tàu chiến Mỹ trên Biển Đỏ luôn phải duy trì cảnh giác cao độ trước mối đe dọa thường trực từ lực lượng Houthi.

Nhóm vũ trang ở Yemen gần đây thường xuyên triển khai tên lửa, UAV để tập kích tàu hàng cũng như chiến hạm của Mỹ và đồng minh tại vùng biển, nhằm thể hiện ủng hộ với lực lượng Hamas sau khi Israel phát động chiến dịch ở Dải Gaza vào tháng 10/2023.

Tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower và khu trục hạm USS Gravely là lớp phòng thủ chính của lực lượng Mỹ ở Biển Đỏ. Mỗi ngày có hàng chục tiêm kích cất cánh từ tàu USS Dwight D. Eisenhower để quần thảo trên bầu trời, sẵn sàng phóng tên lửa không đối đất phá hủy UAV, tên lửa của Houthi trước khi chúng kịp rời bệ phóng.

Tiêm kích F/A-18 Super Hornet đậu trên tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower trong bức ảnh đăng ngày 14/2. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, chiến lược tấn công phủ đầu của Mỹ không thể ngăn cản được hết các đòn đánh của nhóm vũ trang, nên tàu chiến của Washington vẫn thường xuyên phải kích hoạt hệ thống phòng thủ để đánh chặn những quả đạn của đối phương.

Theo thủy thủ đoàn trên tàu USS Gravely, họ thường chỉ có vài giây để phản ứng trước các đòn tập kích bằng tên lửa của Houthi, do loại đạn này có tốc độ bay nhanh hơn nhiều so với UAV.

"Chúng tôi chỉ có vài giây, cùng lắm là vài phút, không nhiều hơn", trung úy hải quân James Rodney, nhân viên thông tin trên tàu USS Gravely, cho hay.

Tàu USS Gravely được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk có tầm bắn khoảng 1.600 km, song chủ yếu sử dụng tên lửa tầm gần để đánh chặn các quả đạn của Houthi.

Tháng trước, một quả tên lửa do nhóm vũ trang phóng đã lần đầu lọt qua lớp phòng thủ bên ngoài và áp sát chiến hạm USS Gravely trong phạm vi hơn 1,5 km, buộc con tàu phải kích hoạt Tổ hợp Vũ khí Phòng thủ Tầm cực gần (CIWS) Phalanx để bắn hạ.

Washington đã mở cuộc điều tra để xác định nguyên nhân tên lửa Houthi suýt xuyên thủng lá chắn trên tàu chiến Mỹ. Tom Karako, giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng chiến hạm Mỹ có thể đã cạn tên lửa đánh chặn, sau khi đã sử dụng lượng lớn để hạ các đòn tập kích của Houthi.

Khu trục hạm USS Gravely đi qua Vịnh Arab hôm 5/12/2023. Ảnh: Hải quân Mỹ

Các thủy thủ cũng cho biết tàu sân bay Eisenhower và các khu trục hạm Mỹ ở Biển Đỏ chưa thể quay về cảng trong nhiều tháng, do liên tục được triển khai để đối phó UAV và tên lửa của Houthi.

Một lý do khác là các đòn đánh của nhóm vũ trang tinh vi hơn so với dự tính của Mỹ. Houthi đã sử dụng tên lửa đạn đạo diệt hạm trong các cuộc tập kích nhằm vào Biển Đỏ, đánh dấu lần đầu tiên họ sử dụng loại đạn này. Thủy thủ Mỹ không được báo trước về mối đe dọa trên và đang phải học cách đối phó chúng ngay trong thời gian thực.

"Thật không may, chúng tôi không được báo trước về nhiều vấn đề, đặc biệt là việc Houthi sở hữu tên lửa đạn đạo", chuẩn đô đốc Marc Miguez, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower, nói.

Theo Miguez, tình báo Mỹ không chú ý nhiều đến Houthi trước khi lực lượng này bắt đầu tập kích tuyến hàng hải ở Biển Đỏ, nên Washington không nắm được năng lực quân sự cụ thể của nhóm vũ trang.

Mỹ thời gian qua đã tiến hành hàng chục cuộc không kích vào các mục tiêu liên quan Houthi ở vùng biển và trên lãnh thổ Yemen, song tới nay vẫn chưa thể xác định đã xóa sổ được bao nhiêu phần trăm sức mạnh của nhóm do thiếu thông tin tình báo.

"Mỹ không biết chắc chắn Houthi đã dự trữ được bao nhiêu vũ khí, đặc biệt là những thứ mà họ giấu dưới lòng đất", Miguez cho hay.

Viên chỉ huy tiết lộ nhóm vũ trang gần đây đã thay đổi chiến thuật, sử dụng nhiều UAV hơn để tập kích tàu thuyền trên Biển Đỏ, chủ yếu là UAV nội địa Samad-3. Đây là loại UAV có tầm hoạt động 1.500 km và mang theo đầu đạn nổ nặng 18 kg.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) cho biết nhóm vũ trang còn sử dụng các UAV sao chép của Iran như dòng Waid, trong đó phiên bản Waid-2 có tầm bay lên tới 2.500 km.

"Họ cố gắng nhắm mục tiêu vào lực lượng Mỹ và liên quân bằng các cuộc tấn công theo dạng bầy đàn, sử dụng nhiều loại UAV, kết hợp cả tên lửa đạn đạo và hành trình chống hạm", đại tá Marvin Scott, chỉ huy Không đoàn Tàu sân bay Số ba trên tàu USS Dwight D. Eisenhower, cho hay.

Vị trí Biển Đỏ. Đồ họa: AFP

Một khó khăn nữa với lực lượng Mỹ tại Biển Đỏ là họ chưa chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ tác chiến ở vùng biển. Tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower ban đầu được triển khai tới Đông Địa Trung Hải, nhưng sau đó được lệnh chuyển hướng tới Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực gia tăng.

"Đây không phải là nơi mà chúng tôi nghĩ mình sẽ đến lúc đầu. Rủi ro luôn tồn tại mỗi khi bạn phải tác chiến lần đầu tiên ở một khu vực", đại tá James Huddleston, phó chỉ huy Không đoàn Tàu sân bay Số ba, nói. "Dù vậy, chúng tôi đã hạn chế được rủi ro đó bằng cách phân bổ hỏa lực chiến đấu một cách hợp lý".

Michael Zito, xạ thủ vận hành pháo tự động Mark-45 trên tàu USS Gravely, cũng cho biết các thủy thủ ban đầu nghĩ rằng họ sẽ có một nhiệm vụ "thoải mái và thả lỏng", thay vì được triển khai tới khu vực nhiều căng thẳng như ở Biển Đỏ.

"Dù sao thì chúng tôi đã luyện tập liên tục, ngày này qua ngày khác trong nhiều năm, nên luôn sẵn sàng để đối mặt với bất cứ điều gì có thể xảy ra. Chúng tôi sẽ làm những gì cần phải làm", Zito khẳng định.

Phạm Giang (Theo CNN)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020