Theo đó, tổng sản phẩm (GRDP) của Cần Thơ năm 2022 tăng 12,64% so với năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay.
Quang cảnh Lễ công bố.
Ông Lê Ngọc Bảy, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố cho biết, với mức tăng trưởng này, thành phố Cần Thơ là địa phương có tốc độ tăng GRDP đứng hạng thứ 6 so với cả nước; xếp thứ 2 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (sau Hậu Giang) và thứ 5 thành phố trực thuộc Trung ương (sau Đà Nẵng). Đây cũng là lần đầu tiên thành phố có tốc độ tăng trưởng đạt 2 con số. Điều này cho thấy tín hiệu khả quan trong khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ lệ cao nhất 18,18%; chiếm tỷ trọng 31,03% trong cơ cấu kinh tế. Tiếp đến là dịch vụ tăng 13,19%; chiếm 52,47%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,49; chiếm 9,65%...
Để có được sự bứt phá ngoạn mục ấy, thời gian qua, Cần Thơ đã thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp trọng điểm. Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, thành phố phát triển vườn cây ăn trái theo hướng quy hoạch vùng chuyên canh, chất lượng cao, tạo mối liên kết tập trung quy mô phù hợp.Trên cơ sở đó thúc đẩy tính cạnh tranh sản phẩm trái cây trên thị trường, từng bước khai thác lợi thế tiêu thụ nội địa, chế biến xuất khẩu và phát triển du lịch sinh thái. Nuôi trồng thủy sản tập trung vào sản phẩm chủ lực là cá tra.
Về nông nghiệp, hiện tổng diện tích gieo trồng lúa gần 216.400 ha, năng suất lúa cả năm 2022 ước đạt 63,16 tạ/ha. Diện tích cây lâu năm gần 26.000 ha; trong đó, diện tích cây ăn quả chiếm 95%; sản lượng đạt gần 201.700 tấn.
Bên cạnh đó, thành phố có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đồng hành và kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2022 hơn 1.700 doanh nghiệp, tăng 36% so với năm 2021. Tổng số vốn đăng ký hơn 12.700 tỷ đồng. Các doanh nghiệp hoạt động mạnh trong những lĩnh vực: vận tải, thương mại và dịch vụ, công nghiệp chế biến. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 118.100 tỷ đồng, tăng 41,5% so với năm ngoái.
Đồng thời, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh còn được hỗ trợ vay vốn thông qua các kênh tín dụng. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Cần Thơ, đơn vị đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường các giải pháp huy động vốn, tập trung vốn tín dụng cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.
Triển khai các giải pháp đến các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đến cuối tháng 12/2022, vốn huy động ước đạt 103.200 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong năm 2022, Cần Thơ đã cấp mới 06 dự án, vốn đăng ký 174,23 triệu USD. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 86 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.223 triệu USD.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 của Cần Thơ tăng 2,33% so với năm 2021. 4 nhóm hàng có mức tăng cao hơn so với mức tăng chung là đồ uống và thuốc lá; nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; giao thông vận tải.
Với các chỉ số kinh tế khả quan, thị trường lao động, việc làm tại Cần Thơ cũng theo đó có đà tăng trưởng tốt, đặc biệt trong thời điểm gần Tết Nguyên đán.
Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ Việc làm thành phố Cần Thơ, hiện gần 60 doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng, số lượng cần tuyển gần 1.400 vị trí. Ngoài ra, các công ty, doanh nghiệp lớn đang rất khát nhân lực chất lượng cao ở các nhóm ngành: công nghệ, chế biến, thương mại và dịch vụ…
Theo Ánh Tuyết
Báo tin tức