Chuyên mục  


Ngày 20/1, ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Mỹ. Ông được dự báo sẽ tiến hành cuộc thử nghiệm chưa từng có tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, thông qua hàng loạt chính sách giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp trong nước, tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa nước ngoài trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tại Mỹ vẫn ở mức cao.

Trong lễ nhậm chức, ông cam kết nhanh chóng cải tổ các mối quan hệ thương mại, tăng khai thác nhiên liệu hóa thạch và thúc giục Quốc hội thông qua một vòng giảm thuế nữa. Để làm những điều này, Tổng thống Mỹ đã ký hơn 200 văn kiện ngay trong ngày đầu nhiệm kỳ. Ông ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng, rút Mỹ khỏi Hiệp định Khí hậu Paris, hủy các sắc lệnh của cựu Tổng thống Joe Biden nhằm khuyến khích xe điện. Ông cũng cam kết "làm tất cả" để kiềm chế lạm phát.

"Tôi sẽ chỉ đạo tất cả thành viên nội các huy động toàn bộ công cụ để đánh bại lạm phát kỷ lục, nhanh chóng hạ giá cả và chi phí xuống", ông tuyên bố trong bài phát biểu nhậm chức. Ông Trump cho rằng giá cả tăng vọt do "chi tiêu quá đà".

Tổng thống Mỹ kêu gọi các cơ quan hành động nhằm hạ giá nhà, loại bỏ các chi phí, quy định không cần thiết khiến dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đồ gia dụng đắt đỏ. Trump cũng muốn hủy các chính sách về khí hậu mà ông cho rằng khiến thực phẩm và năng lượng tăng giá.

Tổng thống Donald Trump giơ một sắc lệnh được ông ký tại Nhà Trắng, ngày 20/1/2025. Ảnh: AP

Hiện chưa rõ các chính sách trên có thể giúp giá cả tại Mỹ giảm xuống hay không. Ông Trump yêu cầu các quan chức báo cáo theo tháng về hiệu quả chính sách. Tuy vậy, kiểm soát lạm phát là nhiệm vụ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Cơ quan này điều hành thông qua lãi suất và các đòn bẩy chính sách khác.

Kinh tế Mỹ hiện tại rất khác so với khi ông Trump nhậm chức cách đây 8 năm. Lạm phát thời đó rất thấp, chỉ gần 3%, khi Mỹ hồi phục hậu suy thoái.

Còn hiện tại, lạm phát đã giảm nhiệt nhưng giá hàng hóa vẫn cao hơn 20% so với cách đây 4 năm. Kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng chậm lại trong 2025 và 2026. Nợ công nước này đã vượt trần 36.000 tỷ USD và các cuộc đàm phán nâng trần nợ tại Quốc hội Mỹ lần nào cũng rất khó khăn.

Nhiều nhà kinh tế học nghi ngờ nhóm chính sách của ông Trump đem lại hiệu quả như mong muốn. "Chúng tôi cho rằng các chính sách này sẽ khiến Mỹ nghiêng về trạng thái stagflation (tăng trưởng chậm, lạm phát cao)", Paul Ashworth - nhà kinh tế học tại Capital Economics cho biết.

Paul dự báo thuế nhập khẩu của ông Trump sẽ kéo lạm phát lên gần 3%. Trước đó, lạm phát Mỹ được dự báo về sát 2% năm nay. Tăng trưởng cũng có thể chậm lại, về 1,5%, từ 2,5% năm ngoái.

Việc Tổng thống Mỹ đưa ra hàng loạt thay đổi lớn trong các lĩnh vực thương mại, năng lượng, nhập cư cũng khiến giới chuyên gia e ngại. "Sự bất ổn cũng là một loại thuế với nền kinh tế. Trong quản lý kinh tế, bạn phải đưa ra kế hoạch rõ ràng. Nếu không, mọi người sẽ dừng ra quyết định, khiến hoạt động kinh tế giảm tốc", David Kelly - chiến lược gia trưởng tại JPMorgan Asset Management nhận định.

Bên cạnh đó, cuộc chiến chống lạm phát tại Mỹ vẫn chưa kết thúc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,4% so với tháng 11, theo Bộ Lao động Mỹ. Đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm ngoái, cho thấy Fed vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Một số quan chức Fed cũng tỏ ra lo ngại chính sách của Trump khiến giá cả tăng tốc trở lại. Hồi đầu tháng, Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin dự báo tác động từ chính sách nhập cư và thương mại của ông Trump có thể khiến giá và lương nhân công tăng. Sức mạnh của nền kinh tế có thể khiến lạm phát tiếp tục ở mức cao.

Lạm phát Mỹ trong nhiệm kỳ của ông Trump (đỏ) và Biden (xanh). Đồ thị: Reuters

Dù vậy, các cố vấn của Tổng thống Mỹ đã bác bỏ những nghi ngại này. Các thành viên Hội đồng Cố vấn kinh tế của ông Trump khẳng định thuế nhập khẩu diện rộng sẽ không gây ra lạm phát, do USD sẽ tăng giá, khiến hàng nhập khẩu rẻ đi. Họ cũng tin rằng việc giảm thuế và quy định hành chính sẽ giúp GDP Mỹ tăng vọt và thâm hụt co lại.

Một trong những điểm thiếu chắc chắn nhất với kinh tế Mỹ hiện tại là thuế nhập khẩu của ông Trump và phản ứng từ các đối tác thương mại của Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử, ông kêu gọi áp thuế 10% với toàn bộ hàng hóa vào Mỹ. Sau khi nhậm chức, ông tiết lộ có thể áp thuế 25% với Canada, Mexico và 10% với Trung Quốc từ đầu tháng 2.

Ông Trump có thể không áp thuế mạnh tay như dự báo và sẽ có sản phẩm ngoại lệ, song cách trả đũa của các nước có thể khiến tình hình thêm nghiêm trọng. Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly hôm 20/1 cho biết "đang chuẩn bị các biện pháp trả đũa" nếu bị Mỹ áp thuế.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng thuế nhập khẩu sẽ khiến người tiêu dùng chịu thiệt. Trong cuộc chiến thương mại ở nhiệm kỳ đầu của ông Trump, tác động của thuế nhập khẩu được cảm nhận rõ nhất khi các nước cũng nâng thuế trả đũa. Việc này khiến nông sản và rượu của Mỹ đắt đỏ hơn ở nước ngoài.

Trong chính nội bộ đảng Cộng hòa, nhiều nghị sĩ cũng nghi ngại về thuế. "Tôi lo lắng chứ. Vì thuế nhập khẩu là con dao hai lưỡi", Ron Johnson - thượng nghị sĩ Cộng hòa tại bang Wisconsin cho biết.

Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Trump cho biết không ngần ngại khi ra quyết định về thuế nhập khẩu và sẽ hành động nhanh để tái định hình hệ thống thương mại toàn cầu. Ông công bố kế hoạch thành lập một cơ quan chuyên thu thuế này và khẳng định chính sách trên giúp người Mỹ thịnh vượng hơn.

"Thay vì tăng thuế nội địa và làm giàu cho nước khác, chúng ta áp thuế nhập khẩu, đánh thuế nước ngoài để làm giàu cho người dân của mình", ông phát biểu.

Hà Thu (theo CNN, NYT, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020