Chiến dịch cung cấp vaccine dự kiến bắt đầu ngày 1/9, triển khai từ miền trung Gaza rồi đến miền nam, miền bắc khu vực, Rik Peeperkorn, quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phụ trách vùng lãnh thổ người Palestine, nói ngày 29/8. Mỗi khu vực sẽ ngừng bắn trong ba ngày liên tiếp, từ 6h đến 15h (10h-19h giờ Hà Nội), và có thể kéo dài sang ngày thứ tư nếu cần.
WHO dự kiến cung cấp vaccine bại liệt theo đường uống cho 640.000 trẻ em ở Gaza trong đợt đầu tiên. Trẻ cũng cần được nhận lượt vaccine thứ hai sau lượt thứ nhất 4 tuần, Peeperkorn. 1,26 triệu liều và 500 phương tiện vận chuyển vaccine đã đến Gaza.
"Theo kinh nghiệm, chúng tôi thường cần thêm một hoặc hai ngày để đảm bảo có độ phủ hiệu quả", Mike Ryan, giám đốc khẩn cấp của WHO, phát biểu trong phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cùng ngày về tình hình nhân đạo ở Gaza.
WHO ngày 23/8 xác nhận một em bé đã bị bại liệt do virus bại liệt tuýp 2. Đây là trường hợp đầu tiên ghi nhận ở Gaza trong 25 năm. Theo Ryan, họ cần độ phủ ít nhất 90% trong mỗi đợt để có thể ngăn chặn dịch lan rộng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Israel Oren Marmorstein nói Tel Aviv "đã điều phối một chiến dịch quy mô lớn với WHO và UNICEF để cung cấp vaccine phòng bại liệt cho trẻ em ở Gaza". Hamas cho biết nhóm ủng hộ "lệnh ngừng bắn nhân đạo của Liên Hợp Quốc".
Một người dân Gaza bế con trai 11 tháng tuổi mắc bệnh bại liệt ở Deir al-Balah, Gaza ngày 27/8. Ảnh: AFP
Virus bại liệt có khả năng lây nhiễm cao, thường lây lan qua nước thải, nguồn nước ô nhiễm. Theo WHO, bại liệt chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi, có thể gây ra dị tật, tê liệt không thể hồi phục, thậm chí tử vong. Bệnh không có thuốc chữa, chỉ có thể phòng ngừa bằng vaccine.
Chiến sự Gaza bùng phát ngày 7/10/2023 sau khi nhóm vũ trang Hamas tập kích miền nam Israel gây thương vong lớn, buộc quân đội nước này mở chiến dịch để đáp trả. Giao tranh đã khiến hơn 40.400 người Palestine thiệt mạng, hơn 93.500 người bị thương, theo số liệu từ cơ quan y tế Gaza.
Cuộc chiến đã khiến hầu hết người dân tại dải đất mất nhà cửa, khiến họ không có nơi trú ẩn, nước sạch và các nhu yếu phẩm khác, cũng như phải đối mặt với dịch bệnh lan tràn.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc ngày 28/8 cho biết hoạt động viện trợ ở Gaza "bị hạn chế nghiêm trọng do tình trạng thù địch, mất an ninh và các lệnh sơ tán quy mô lớn ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển hàng hóa".
Vị trí các đô thị ở Gaza. Đồ họa: BBC
Như Tâm (Theo Reuters, AFP)