Chuyên mục  


Hàng nghìn người Palestine đã đổ ra đường phố Rafah tối 6/5, khóc vì vui sướng khi cho rằng việc Hamas chấp nhận đề xuất về thỏa thuận ngừng bắn do Qatar và Ai Cập làm trung gian. Nếu thành công, thỏa thuận này sẽ giúp người dân Rafah tránh được chiến dịch tấn công trên bộ của Israel và tận hưởng bầu không khí yên bình trong 6 tuần.

Nhưng đến sáng 7/5, nhiều người lại bắt đầu di chuyển, chất đồ đạc, chăn đệm lên ôtô, xe lừa, rời khỏi thành phố sau khi Israel tiếp tục không kích và tuyên bố không chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn mà Hamas đã thông qua. Chính phủ Israel cho hay họ tiến hành không kích vì dự thảo thỏa thuận của Hamas khác với văn bản họ đã chấp nhận.

Cậu bé người Palestine bị thương đang chờ điều trị trong bệnh viện Kuwaiti sau khi Israel oanh tạc Rafah ngày 7/5. Ảnh: AFP

Tâm trạng vui vẻ và tràn đầy hy vọng chuyển sang kinh hoàng, với hơn một triệu người mỏi mệt vì chiến sự kéo dài đang chen chúc nhau ở thành phố phía nam Dải Gaza. Sau cuộc không kích, Israel đã điều một lữ đoàn xe tăng kiểm soát cửa khẩu Rafah giữa biên giới Gaza với Ai Cập, dấu hiệu cho thấy chiến dịch tấn công trên bộ sắp bắt đầu. Đây là cửa khẩu quan trọng để chuyển lương thực, hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza.

"Chúng tôi vừa ăn mừng khi hay tin Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn thì lại nghe tin xe tăng Israel tiến vào", Mohamed Karraz, 28 tuổi, từ Gaza City sơ tán đến Rafah, nói. "Đêm qua Israel không kích rất dữ dội, bắn phá không ngừng, chỉ nghe thấy tiếng nổ và tiếng còi xe cứu thương".

Sáng 7/5, máy bay Israel rải truyền đơn yêu cầu người dân ở 5 quận phía đông di chuyển tới khu vực ven biển phía tây Rafah, vì quân đội Israel sẽ tiến hành chiến dịch tấn công mạnh mẽ vào lực lượng Hamas còn bám trụ tại thành trì cuối cùng này.

Om Udai Tabash, 44 tuổi, cho hay gia đình sẽ quay về nhà ở Khan Younis trong khu chung cư đã mất nóc vì bom đạn Israel.

"Chí ít là chúng tôi có thể được chết ở nhà", cô nói. "Cơ sở hạ tầng bị hủy hoại, thứ cơ bản phục vụ đời sống ở Khan Younis đã không còn, mà quân đội Israel sẽ làm điều tương tự ở Rafah. Nếu phải chết, chúng tôi sẽ chết ở nhà mình".

Nhiều người từ phía bắc Dải Gaza đến Rafah đã trải qua nhiều lần sơ tán. Khoảng 1,4 triệu người, tương đương hơn một nửa dân số Gaza, bị dồn vào khu vực bình thường chỉ có 280.000 cư dân sinh sống. Họ chen chúc trong trường học, nhà dân, lều bạt, trong điều kiện thiếu vệ sinh và nước sạch.

Người dân địa phương sơ tán bằng xe lừa ở phía đông Rafah, ngày 6/5. Ảnh: AFP

Đa phần đã phải dựng lều ở tạm suốt nhiều tháng, trải qua mưa gió mùa đông và gần đây là nắng nóng mùa hè. Công tác thu gom rác bị hạn chế đã tạo điều kiện cho dịch bệnh và côn trùng phát tán, theo các cơ quan viện trợ.

Nour Ali, 35 tuổi, mẹ của 4 đứa con, từ Gaza City sơ tán đến Rafah, cho biết cả nhà đã ngủ ngoài đường tối 6/5 sau khi rời khỏi ngôi nhà mà họ trú ẩn ở quận Geneina, phía đông Rafah, nơi bị Israel pháo kích rạng sáng hôm đó.

"Chúng tôi muốn về nhà sau khi hay tin về thỏa thuận ngừng bắn, nhưng bom đạn không ngừng trút xuống ngay vào tối hôm đó, khiến không ai ngủ được", cô nói.

Jens Laerke, phát ngôn viên cơ quan nhân đạo Liên Hợp Quốc Ocha, nhận định việc quân đội Israel chiếm cửa khẩu Rafah và đóng cửa khẩu Kerem Shalom sẽ đe dọa toàn bộ hoạt động nhân đạo ở khu vực.

Kerem Shalom bị đóng cửa sau vụ Hamas phóng rocket khiến 4 binh sĩ Israel thiệt mạng. Các tuyến viện trợ khác đến miền trung và bắc Gaza vẫn mở, nhưng lượng xe chở hàng viện trợ bị hạn chế. Bến tàu nổi ngoài khơi Gaza do Mỹ xây dựng để đưa hàng viện trợ vào dải đất vẫn chưa thể vận hành.

Vị trí cửa khẩu Kerem Shalom và Rafah. Đồ họa: datawrapper

"Hai tuyến đường chính đưa hàng viện trợ vào Gaza đang tắc cứng", Laerke nói, cho hay hàng hóa được chuyển tới các cơ quan cứu trợ của Liên Hợp Quốc ở Gaza nhỏ giọt. Ông cảnh báo nếu nhiên liệu tiếp tục bị cắt trong thời gian dài, hoạt động nhân đạo "sẽ chết hẳn".

Ông chỉ trích quân đội Israel "đang phớt lờ mọi cảnh báo về ý nghĩa của viện trợ đối với dân thường". Các nhân viên cứu trợ làm việc ở Gaza báo cáo "bầu không khí hoảng loạn và tuyệt vọng đang bao trùm" và ai cũng thấp thỏm lo âu.

Ai Cập cũng lên án việc quân đội Israel chiếm cửa khẩu Rafah, cho rằng hành động này "đe dọa huyết mạch nhân đạo của hơn một triệu người Palestine" cũng như tuyến đường dùng để đưa bệnh nhân và người bị thương đi điều trị.

Israel từ lâu đã đe dọa mở cuộc tấn công toàn diện vào Rafah bởi cho rằng đây là nơi các thủ lĩnh còn lại của Hamas như Yahya Sinwar đang ẩn náu.

Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh của Israel, cũng như nhiều cơ quan viện trợ quốc tế, cảnh báo chiến dịch tấn công Rafah sẽ gây tổn thất nhân đạo lớn. Cơ quan y tế Hamas cho hay hơn 34.000 người Palestine đã thiệt mạng từ khi Israel tiến hành chiến dịch tấn công đáp trả Hamas.

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc tuần này cho biết miền bắc Gaza đang trải qua "nạn đói toàn diện", dù cơ quan này chưa đưa ra tuyên bố chính thức.

Xe tăng của Israel tiến về phía cửa khẩu Rafah ở Gaza ngày 7/5. Ảnh: AFP

Nhà ngoại giao hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 7/5 bày tỏ lo ngại chiến dịch tấn công Rafah sẽ gây thương vong lớn cho dân thường. "Dù họ có biện minh thế nào, vẫn còn 600.000 trẻ em ở Gaza. Các cháu sẽ bị đẩy tới khu vực gọi là 'vùng an toàn', nhưng ở Gaza chẳng có nơi nào được coi là an toàn", ông nói.

Mazen al-Sheikh Youssef, 27 tuổi, người dân Rafah, cho hay thông tin quân đội Israel đã kiểm soát cửa khẩu đang khiến mọi người hoảng sợ.

"Chúng tôi chẳng khác gì cá nằm trên thớt, thậm chí hàng viện trợ giờ đây cũng không thể đưa vào", anh nói. "Họ sẽ bỏ đói và tàn sát chúng tôi như những gì đã làm ở miền bắc Gaza".

Hồng Hạnh (Theo FT)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020