Chuyên mục  


Ông Nhật ở huyện Nhà Bè (TP HCM) "phát sốt" khi tiền điện tháng 4 tăng lên gần 1,3 triệu đồng, gấp đôi so với bình quân các tháng trước đó và tăng 30% so với tháng 3. Đây cũng là mức cao kỷ lục từ khi sử dụng điện tới nay của nhà ông.

Theo ông Nhật, nhà có 2 máy lạnh nhưng ban ngày đi làm, chỉ mở vào buổi tối. Riêng tháng 3, 4, thời tiết nắng nóng, ông điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh xuống 23 độ C, thay vì 25 độ như trước đây. "Nắng nóng gay gắt nhưng tôi không nghĩ tiền điện đột biến đến vậy", ông Nhật nói.

Tương tự, ông Cao ở Gò Vấp cho hay cả gia đình đều duy trì nhiệt độ phòng máy lạnh trên 26-28 độ C theo khuyến cáo của cơ quan chức năng nhưng tiền điện tháng 4 vẫn tăng 26% so với tháng 3 và gấp đôi so với tháng 1-2, lên 1,82 triệu đồng.

"Nhiều lần tôi đã phản ánh lên ngành điện nhưng họ chỉ đưa lý do là lượng điện tiêu thụ tăng cao, nguồn điện có thể bị rò rỉ và chẳng có giải pháp nào hướng dẫn cho người tiêu dùng", ông Cao bộc bạch.

Tại Hà Nội người dân cũng than phiền vì tiền điện tháng 4 tăng đột biến.

Anh Nguyễn Minh An ở Hà Đông (Hà Nội) sốt ruột khi mới đầu hè nhưng tiền điện đã tăng hơn 50% so với những tháng trước. Thông thường, gia đình anh trả khoảng 1,7-2,5 triệu đồng. "Tiền điện tháng 4 vọt lên 3,3 triệu đồng, tăng cả triệu so với tháng 3", anh An nói.

Theo anh An, nửa cuối tháng 4 năm nay, thời tiết nắng nóng, dịp nghỉ lễ, cả nhà không đi du lịch mà ở nhà khiến hóa đơn tiền điện tăng. So với năm ngoái, giá điện cũng đã tăng hơn 10% qua 2 đợt điều chỉnh.

Chung cảnh ngộ tiền điện tháng 4 tăng 20-50% so với tháng 3, nhiều hộ sử dụng điện tại TP HCM và Hà Nội "bật ngửa" vì đa phần số tiền này cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trên các diễn đàn, hàng trăm tin nhắn trao đổi quanh nội dung "giá điện tăng sốc".

Tháng 4 vì công suất tiêu thụ điện trên 400kWh nên tiền điện nhà ông Nhật tính lũy tiến tới bậc 6.

Nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng cao được lý giải do nắng nóng. Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), sử dụng điện trong tháng 4 lập nhiều kỷ lục mới, sản lượng tiêu thụ có ngày gần chạm mốc 1 tỷ kWh.

Nói với VnExpress, ông Bùi Trung Kiên - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC), cũng cho rằng miền Nam nắng nóng bất thường kéo dài với nền nhiệt trung bình trên 35-40 độ C vào buổi trưa đã khiến nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát tại hộ gia đình tăng cao.

Thống kê của EVNHCMC cho thấy tháng tư, sản lượng tiêu thụ của toàn TP HCM đạt hơn 2,75 tỷ kWh, tăng 12,4% so với tháng 3. Đặc biệt, trong các ngày 24,25 và 26 tháng 4, lượng điện tiêu thụ của thành phố vượt 100 triệu kWh chứng tỏ công suất tiêu thụ đột biến.

Nắng nóng là "thủ phạm" khiến hóa đơn tiền điện tăng. Song, một lý do khác là hóa đơn tính tiền điện bị nhảy bậc theo biểu giá lũy tiến 6 bậc.

Tại TP HCM, ông Kiên cho biết trong số 2,47 triệu khách hàng là hộ gia đình có 1,8 triệu khách hàng sử dụng điện từ bậc 4 trở lên (chiếm 75% tổng số khách hàng hộ gia đình) với sản lượng điện tiêu thụ trên 1,44 tỷ kWh (chiếm 52,38% tổng sản lượng và tăng 20% so tháng 3). Theo quy định, sản lượng điện dùng bị nhảy bậc càng cao, giá tiền trả càng tăng. Đây là quy định về giá bán lẻ điện của Bộ Công Thương ban hành năm 2023.

Chấp nhận giá điện sẽ tăng vì chênh lệch nhiệt độ và công suất tiêu thụ nhưng theo người tiêu dùng cách tính bậc thang của ngành điện đang bất hợp lý.

"Công suất điện tháng 4 nhà tôi chỉ tăng 22% so với tháng 3 từ 378 kWh lên 463 kWh nhưng tôi phải chịu tiền điện tăng thêm 30% vì cách tính tiền điện bậc thang", ông Nhật bức xúc và cho rằng nếu cứ duy trì cách tính như trên và giá điện tăng liên tục, vào mùa nóng, người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi nặng.

Đồng quan điểm, ông Cao ở Gò Vấp ví von "ngành điện đang cầm chuôi, còn người tiêu dùng bị ép nắm dao đằng lưỡi". 5 năm nay, thông lệ cứ đến mùa nóng tiền điện tăng cao.

Bất cập trên đang được Bộ Công thương xin ý kiến và dự kiến sửa đổi. Theo đó, Bộ đang lấy ý kiến hạ bậc trong biểu giá bán lẻ điện từ 6 bậc hiện nay xuống 5. Bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100kWh thay vì 50 kWh như hiện hành, còn bậc cao nhất từ 701 kWh trở lên. Giá thấp nhất (bậc 1) khoảng 1.806 đồng một kWh và cao nhất (bậc 5) là 3.612 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).

Bộ Công Thương cho biết phương án biểu giá điện 5 bậc thang được 92,2% ý kiến góp ý đồng tình, chỉ có 7,8% đồng ý phương án rút ngắn còn 4 bậc thang. Chênh lệch giữa bậc 1-5 là 2 lần phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Tuy nhiên, giới chuyên môn đánh giá biểu giá như trên sẽ tác động trực tiếp đến hộ tiêu dùng nhiều điện, chưa giải quyết được hết bất cập của biểu giá hiện hành (6 bậc). Tức là, các hộ càng sử dụng điện nhiều, mức giá lũy tiến ở các bậc thang càng cao, trực tiếp tác động tới hộ sử dụng từ 401 kWh trở lên.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện chưa bảo đảm phù hợp với Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. "Cần có thêm doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các khâu truyền tải, phân phối điện để giảm tính độc quyền", ông nói, thêm rằng nhà chức trách nên xem xét lại mức tiêu thụ điện tối thiểu, phổ biến ở mức nào, để có mức giá phù hợp.

"Trong khi đó, đa số hộ dùng trên 400 kWh, với mức dùng đó chỉ trung bình nhưng giá điện phải trả tính bằng 162% giá bình quân là quá cao", ông Phú dẫn chứng.

Đồng quan điểm, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đề nghị bỏ biểu giá bậc thang, áp dụng cách tính điện một giá, theo thị trường cạnh tranh.

Nhân viên Điện lực Hà Nội sửa chữa trên đường dây, năm 2020. Ảnh: Ngọc Thành

Ngoài biểu giá điện bậc thang, thị trường còn tồn tại việc bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện ở các mức độ khác nhau. Hiện, người tiêu dùng phải trả tiền điện bù cho sản xuất.

Theo biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện nay, vào khung giờ bình thường, giá điện cho các ngành sản xuất (cấp điện áp từ 110kV trở lên) là 1.584 đồng một kWh, thậm chí vào giờ thấp điểm chỉ 999 đồng một kWh. Trong khi giá điện sinh hoạt bậc rẻ nhất 1.728 đồng một kWh, còn bậc cao nhất lên đến 3.015 đồng một kWh. Người dùng điện sinh hoạt, không có mức giá thấp hay cao điểm.

Theo chuyên gia năng lượng Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, tình trạng bù chéo giá điện giữa sản xuất và sinh hoạt sẽ gây thiệt thòi cho người dân, nên được "khắc phục và thu hẹp dần".

Thời gian tới, nắng nóng dự báo sẽ diễn biến phức tạp, số ngày nắng nóng gay gắt có thể kéo dài so với trung bình hàng năm. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), miền Bắc mới chỉ là đợt nóng gay gắt đầu tiên nên tiêu thụ điện dù tăng cao, chưa tới mức đỉnh ghi nhận trong quá khứ.

Ngoài các giải pháp về vận hành hệ thống, EVN khuyến cáo khách hàng tiết kiệm điện, điều chỉnh nhu cầu sử dụng. Đặc biệt, nhà đèn lưu ý khách hàng sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ, chỉ bật khi thực sự cần thiết, đặt nhiệt độ ở 26-27 độ trở lên.

Theo ông Trần Văn Cân, Trưởng phòng Phát triển sản phẩm Casper Việt Nam, để tiết kiệm điện năng khi sử dụng điều hòa, người dùng nên chọn máy Inverter bởi có thể giảm tiêu tốn điện năng hơn 40% so với dòng máy cơ; điều chỉnh chế độ nhiệt hợp lý (26-28 độ C) và chọn điều hòa có công suất phù hợp với diện tích phòng.

Với dòng máy cơ (kể cả các dòng điều hòa nói chung), cần vệ sinh, bảo trì máy lạnh định kỳ; dùng tính năng hẹn giờ tắt máy để tránh lãng phí điện năng. Người dùng cũng cần tắt nguồn điều hòa khi không sử dụng trong thời gian dài. Thông thường, phòng có thể tích dưới 45 m3, nên lắp điều hòa có công suất 1 HP, phòng từ 45 đến 60 m3, nên chọn điều hòa 1.5 HP và từ 60 đến 80 m3 chọn loại 2 HP.

Thi Hà - Phương Dung

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020