Chuyên mục  


mo_sat_thach_khe_ha_tinh.jpgÔng Hoàng Trũng Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Ngày 3/7, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Tĩnh để bàn về giải pháp thực hiện phương án trung gian là khai thác với độ sâu âm 145m so với mực nước biển để báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đặng Thanh Hải - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo Công ty Cổ phấn Sắt Thạch Khê (TIC) xây dựng phương án trung gian khai thác mỏ sắt Thạch Khê ở mức âm 145m so với mực nước biển.

Dự kiến khai thác 41,8 triệu tấn quặng, đất đá bóc 121,3 triệu m3, tổng mức đầu tư trước thuế: 5.086.033 triệu đồng; tổng nộp ngân sách: 17.103.006 triệu đồng, thời gian thực hiện phương án là 10 năm.

TKV đề xuất với tỉnh Hà Tĩnh cùng có phương án tháo gỡ khó khăn như đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường dừng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với TIC trong thời gian TIC phải tạm dừng dự án.

Cục Thuế Hà Tĩnh dừng cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế và phong tỏa hóa đơn, tài khoản ngân hàng của TIC và Cục Thi hành Án Dân sự Hà Tĩnh dừng thi hành án đối với TIC.

TKV đề xuất tỉnh Hà Tĩnh cho phép đơn vị tiếp tục đầu tư hạ tầng bãi tập kết than tại Khu Kinh tế Vũng Áng nhằm phục vụ than cho các nhà máy nhiệt điện tại đây.

[Hà Tĩnh sớm có câu trả lời triển khai hay dừng khai thác mỏ Thạch Khê]

Tại buổi làm việc, lãnh đạo đạo các sở, ngành; huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh và Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ, Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên Liên bang Nga, Giáo sư Trường Tổng hợp Kỹ thuật Năng lượng Moskva đều không đồng tình với phương án trung gian, và đề xuất dừng việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê do nhiều hệ lụy.

Cụ thể quy trình thực hiện dự án còn nhiều bất cập, trình tự thủ tục về đầu tư, khai thác mỏ chưa đảm bảo theo quy định. Mức độ nghiên cứu về điều kiện về địa chất, thủy văn, công nghệ khai thác, công nghệ chế biến, chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ, thiếu tính khả thi.

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê do Công ty cổ phấn sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư, nằm trên địa phận 5 xã Thạch Hải, Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc của huyện Thạch Hà.

Trước đây, tổng mức đầu tư dự mỏ sắt Thạch Khê là 14.517,2 tỷ đồng, công suất khai thác giai đoạn 1 là 5 triệu tấn/năm, giai đoạn 2 là 10 triệu tấn/năm, và khai thác đến độ sâu âm 550m.

Công nghệ khai thác lộ thiên; trữ lượng 544 triệu tấn, trong đó 369 triệu tấn được huy động vào thiết kế khai thác; thời gian tồn tại của mỏ là 52 năm; tổng diện tích đất sử dụng 4.821ha, bao gồm 3.898ha trong đất liền và 923ha lấn biển.

mo_sat_thach_khe_ha_tinh_2.jpgÔng Ngô Hoàng Ngân - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê tỉnh Hà Tĩnh được thực hiện từ năm 2008 đến năm 2011 thì dừng lại.

TKV và các cổ đông đã bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3 với độ sâu âm 34m so với mực nước biển, thu 3.000 tấn quặng.

Năm 2011, dự án dừng hoạt động, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 164/TB-VPCP ngày 11/7/2021 của Văn phòng Chính phủ để tái cơ cấu lại doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Theo thống kê, vốn đã đầu tư tại dự án mỏ sắt Thạch Khê là 1.984 tỷ đồng, trong đó, vốn được góp bởi các doanh nghiệp nhà nước là 1.529,6 tỷ đồng (riêng vốn góp của TKV là 1.076,33 tỷ đồng).

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ông Hoàng Trung Dũng, cho biết hiện tại Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa đảm bảo nghiên cứu các yếu tố khoa học kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường nên chưa cần thiết khai thác, có thể chờ cho thế hệ sau sẽ khai thác.

Những người đề xuất cho khai thác mỏ sắt Thạch Khê nay vẫn trăn trở vì nhiều lý do, về an ninh xã hội, vì lý do môi trường và nhiều vấn đề hệ lụy khác cần phải tính đến.

Thậm chí các tỉnh Bắc Trung Bộ cũng đề xuất nếu Hà Tĩnh khai thác mỏ sắt Thạch Khê thì vấn đề hệ lụy môi trường, ảnh hưởng đến du lịch, thương mại trong vùng cần phải tính toán.

Ông Hoàng Trung Dũng cho biết thêm: "Về việc TKV đã bỏ số vốn lớn để đầu tư vào dự án mỏ sắt Thạch Khê, chúng tôi rất chia sẽ khó khăn này. Tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ với TKV bằng hình thức tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn tham gia vào việc khai thác du lịch, dịch vụ ở địa phương, tại vùng dự án đã khai thác.

TKV có thể tham gia khảo sát các dự án khác về khai thác than, khai thác quặng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chúng tôi sẽ đồng hành và mong muốn một số cơ sở hạ tầng, nơi làm việc của TIC có thể bàn giao cho Hà Tĩnh sử dụng hợp lý," ông Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh./.

Tường Quân (TTXVN/Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020