Vị trí thứ tư trong hình là chặng Hà Nội (HAN) - TP.HCM (SGN) lọt top 10 chặng bay bận rộn nhất thế giới - Nguồn: OAG
Đường bay Hà Nội - TP.HCM được xếp ở vị trí thứ tư, với 10,6 triệu chỗ ngồi trong năm nay, theo thống kê của OAG, tổ chức hàng đầu về thống kê du lịch và hàng không.
Hãng bay Việt cạnh tranh khốc liệt đường bay Hà Nội - TP.HCM, vì sao?
Dẫn đầu danh sách top 10 là tuyến bay từ Jeju (CJU) đến Seoul (GMP) với 14,2 triệu chỗ ngồi, tăng 3% so với năm 2023 và 19% so với năm 2019.
Tuyến bay Chitose (CTS) đến Tokyo Haneda (HND) đứng ở vị trí thứ hai với 11,9 triệu chỗ ngồi, trong khi Fukuoka (FUK) đến Tokyo Haneda (HND) xếp thứ ba với 11,3 triệu chỗ ngồi.
Vị trí thứ năm thuộc về tuyến Melbourne (MEL) đến Sydney (SYD), với 9,2 triệu chỗ ngồi.
Châu Á đã chiếm 8/10 tuyến bay trong danh sách của OAG. Riêng đường bay Hà Nội - TP.HCM năm ngoái đã phục vụ hơn 9 triệu hành khách, chiếm 22% tổng lượng khách nội địa, đồng thời góp phần đảm bảo doanh thu và lợi nhuận cho các hãng hàng không Việt Nam, theo Cục Hàng không Việt Nam.
Các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines đều tham gia khai thác chặng bay Hà Nội - TP.HCM với tần suất cao nhất cả nước.
Tuyến bay này, dài khoảng 1.200km, được xem là kết nối chiến lược giữa hai trung tâm kinh tế và chính trị lớn nhất Việt Nam. Đường bay đáp ứng nhu cầu đa dạng từ doanh nhân, hành khách công vụ đến du khách.
Với giá vé trung bình dao động từ 1,5 - 3,5 triệu đồng/vé/chiều hạng phổ thông, các hãng hàng không đã tận dụng tối đa khả năng lấp đầy ghế từ 80 - 90% nhờ nhu cầu di chuyển lớn và ổn định quanh năm.
Đường bay Hà Nội - TP.HCM, các hãng bay tăng cường hoạt động máy bay thân rộng - Ảnh: CÔNG TRUNG
Đường bay nội địa ở châu Âu "vắng bóng" trong top 10 thế giới
Theo báo cáo năm 2024 của OAG, không có đường bay nội địa nào từ châu Âu hay Bắc Mỹ lọt vào top 10 tuyến bay bận rộn nhất thế giới, dù đây là hai khu vực có lượng hành khách hàng không lớn.
Tại Bắc Mỹ, dù có một số tuyến nội địa đông đúc như Vancouver - Toronto, OGA thống kê đạt 3,5 triệu ghế hay Atlanta - Orlando là 3,47 triệu ghế.
Theo phân tích của một chuyên gia hàng không, ở châu Âu khoảng cách giữa các thành phố lớn không quá xa. Hệ thống giao thông công cộng như tàu cao tốc phát triển vượt bậc như TGV (Pháp), ICE (Đức) và Eurostar giúp kết nối hiệu quả các thành phố lớn với tốc độ lên tới 300 - 350km/h. Từ đó thúc đẩy người dân ưu tiên tàu hỏa thay vì máy bay.
Ngược lại, châu Á lại chiếm ưu thế nhờ diện tích rộng lớn và dân số tập trung ở các đô thị lớn. Việc di chuyển bằng máy bay trở thành lựa chọn tối ưu cho các hành trình dài. Các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam có nhu cầu sử dụng hàng không nội địa cao hơn do cơ sở hạ tầng đường sắt chưa thể thay thế hoàn toàn vai trò của hàng không.
Ngoài ra, thói quen di chuyển cũng đóng vai trò quan trọng. Tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh tại châu Á, kéo theo nhu cầu sử dụng hàng không ngày càng lớn. Trong khi đó, người dân châu Âu và Bắc Mỹ lại ưa chuộng tàu hỏa hoặc xe hơi cho các chuyến đi ngắn.
Dù vắng mặt trong top 10 đường bay nội địa bận rộn nhất thế giới, các hãng bay ở châu Âu và Bắc Mỹ vẫn duy trì nhiều tuyến bay quốc tế bận rộn như New York - London hay New York - Paris.