Những tháng vừa qua, Hà Nội tiếp tục tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; thu hút đầu tư nước ngoài đạt gần 2,3 tỷ USD.
Vì vậy, các công trình trọng điểm, các dự án lớn đã và đang được khởi công, đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đường trên cao và 4km đi ngầm với tổng mức đầu tư 32.900 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 76,5%, trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 99%.
Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) khởi công tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng. Dự án đã bắt đầu thi công khối hợp long đầu tiên mang ký hiệu KN-1. Dự án đang được tập trung thi công các hạng mục còn lại để hoàn thành toàn dự án vào ngày 2/9/2023.
Cùng đó, dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội khởi công tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1.376 tỷ đồng. Công trình được xây dựng tại Khu công viên và hồ điều hòa CV1 (thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy, nơi giáp ranh giữa quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm).
Tổng diện tích dành cho dự án là 39.600 m2; trong đó diện tích xây dựng là 10,3 nghìn m2. Đến nay, dự án đã giải ngân đạt 61,4% kế hoạch vốn, dự kiến thời gian hoàn thành toàn dự án vào năm 2024.
Cầu vượt nút giao Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch khởi công tháng 10/2021, dự án cầu vượt có chiều dài hơn 300m, rộng 9m, giao thông hai chiều cho hai làn xe hỗn hợp với tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội. Sau gần 2 năm thi công, đến nay dự án cầu vượt chữ C nằm tại nút giao Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch và vừa được thông xe.
Đối với dự án lớn đường vành đai 4-Vùng Thủ đô, Hà Nội tiến hành khởi công tại 4 địa điểm trên địa bàn thành phố gồm Đường gom Đại lộ Thăng Long, thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức; Quốc lộ 2, thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; Trục phía Nam, xã Tam Hưng, Thanh Oai; Quốc lộ 1A cũ, thuộc địa phận xã Văn Bình, huyện Thường Tín.
Dự án có chiều dài 112,8km; trong đó điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài-Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Dự án được chia thành 7 dự án thành phần, có tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn 1 khoảng 85.800 tỷ đồng.
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Thành phố quý 2/2023 ước tính đạt 113.300 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn Nhà nước 37.300 tỷ đồng, chiếm 32,9% tổng vốn đầu tư và tăng 5,9%; vốn ngoài nhà nước 68.400 tỷ đồng, chiếm 60,4% và tăng 10,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 7.600 tỷ đồng, chiếm 6,7% và tăng 8,5%.
Chia theo khoản mục đầu tư, vốn đầu tư xây dựng cơ bản quý 2 ước tính đạt 72.000 tỷ đồng, chiếm 63,6% tổng vốn đầu tư và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022; vốn mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất đạt 29.600 tỷ đồng, chiếm 26,1% và tăng 7,3%; vốn sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản đạt 5.300 tỷ đồng, chiếm 4,7% và tăng 5,4%; bổ sung vốn lưu động đạt 4.900 tỷ đồng, chiếm 4,3% và tăng 3,6%; vốn đầu tư khác đạt 1.500 tỷ đồng, chiếm 1,3% và tăng 3,8%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Thành phố đạt 194.700 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn Nhà nước 64.900 đồng, tăng 5%; vốn ngoài nhà nước 115.800 tỷ đồng, tăng 10,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 14.000 tỷ đồng, tăng 11,6%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn Ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 6 ước tính đạt 4.069 tỷ đồng, tăng 7,9% so với thực hiện tháng trước.
[Năm dự án giao thông trọng điểm sắp được khởi công vào quý 2]
Ước tính quý 2 năm nay vốn đầu tư thực hiện từ nguồn Ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 11.000 tỷ đồng, tăng 37,3% so với thực hiện quý trước nhưng giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 2 quý vừa qua, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn Ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 19.000 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước và bằng 36,9% kế hoạch năm.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), toàn Thành phố đạt 2.265 triệu USD; trong đó, đăng ký cấp mới 196 dự án với số vốn đạt 75 triệu USD; 89 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 209 triệu USD; 169 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 1.981 triệu USD.
Đáng chú ý có 1 lượt giao dịch của nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1.500 triệu USD./.