Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế để trở thành địa điểm thu hút và dẫn dắt dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực kinh tế phía Nam.
Tuy nhiên những bất cập, chồng chéo về mặt thể chế và thực thi chính sách thời gian qua đang là lực cản làm giảm sức hấp dẫn của thành phố đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Các chuyên gia đã đưa ra nhận định trên tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư với chủ đề "Tăng cường thu hút đầu tư và đề xuất giải pháp về pháp lý hiệu quả cho nhà đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức, ngày 7/7.
Theo ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, những năm gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi mà nhà đầu tư tìm đến nhiều nhất tại Việt Nam. Luỹ kế từ năm 1988 đến ngày 20/6/2023, Thành phố Hồ Chí Minh có 11.868 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là hơn 81 tỷ USD (dẫn đầu về số dự án còn hiệu lực so với cả nước); trong đó Singapore đứng đầu với 14 tỷ USD, British VirginIsland (6 tỷ USD), Nhật Bản (5,6 tỷ USD), Hàn Quốc (5,5 tỷ USD), Hà Lan (5 tỷ USD)…
Tuy nhiên, đầu tư FDI tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chỉ tập trung ở một số quận, thành phố Thủ Đức và trong một số ngành nhất định. Các doanh nghiệp FDI chưa tạo ra được nhiều lan tỏa về công nghệ, kỹ thuật và chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước. Số lượng doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng chưa nhiều (ngành dịch vụ, thiết bị, nguyên vật liệu gián tiếp); giá trị sản xuất trong nước chưa cao; hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D) chưa được triển khai…
Nguyên nhân là do thay đổi tư duy về thu hút vốn FDI chưa theo kịp với yêu cầu. Thu hút FDI ở Thành phố Hồ Chí Minh còn coi trọng về số lượng, chưa coi trọng về chất lượng. Bên cạnh đó, khung pháp lý về thu hút FDI còn nhiều bất cập. Mặc dù, hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài được liên tục sửa đổi đã qua 4 lần và có tiến bộ rõ rệt, song trên thực tế vẫn chưa đồng bộ, thiếu nhất quán, còn vướng mắc, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc dự toán và lên phương án kinh doanh; tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng ở các cấp. Cải cách thủ tục hành chính còn chậm và yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu thu hút FDI và phát triển trong tình hình mới. Các quy định pháp luật giữa đầu tư, đất đai, bất động sản còn chồng chéo đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài - ông Đào Minh Chánh cho biết.
Cùng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết khảo sát gần đây của VCCI về môi trường đầu tư kinh doanh (thực hiện với cả doanh nghiệp trong nước và FDI) cho thấy có đến 50% số doanh nghiệp được hỏi gặp trở ngại về thủ tục đất đai và giải phóng mặt bằng; 48% doanh nghiệp gặp trở ngại về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đo thị, hơn 40% gặp khó khăn với các thủ tục về thẩm định, phê duyệt…
Theo phân tích của ông Đậu Anh Tuấn, khung pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh còn nhiều bất cập, khiến chính sách ưu đãi của Chính phủ mặc dù rất hấp dẫn nhưng vẫn khó đủ sức thu hút nguồn vốn đầy tiềm năng. Mặc dù môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh liên tục được cải thiện với thái độ và trách nhiệm tích cực của địa phương nhưng vướng mắc về thủ tục, áp dụng quy định pháp luật vẫn đang là một trong những thách thức lớn với doanh nghiệp, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Không chỉ có sự chồng chéo giữa các văn bản, chính sách mà việc thực thi cùng một chính sách ở mỗi đơn vị, địa phương cũng khác nhau. Độ vênh giữa quy định và thực tiễn áp dụng là vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt...
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho rằng trong bối cảnh nguồn vốn FDI toàn cầu giảm sút và cạnh tranh giữa các khu vực ngày càng tăng, vấn đề đặt ra là Thành phố Hồ Chí Minh cần làm gì để tiếp tục giữ vững sức hút đối với dòng vốn FDI nhất là khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (GMT), sẽ áp dụng cho 141 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, bắt đầu từ năm 2024.
[Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh]
Nếu không tính đến ưu đãi về thuế thì vấn đề còn lại trong thu hút FDI chính là tập trung cải thiện môi trường đầu tư. Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng đề án nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thành phố cần có một chính sách mang tính chiến lược, lâu dài để các nhà đầu tư cũ yên tâm mở rộng quy mô, đồng thời tạo được lực hút cho các nhà đầu tư mới.
Thành phố thu hút đầu tư FDI có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn khu vực, thị trường đối tác để thúc đẩy hợp tác phát triển phù hợp với bối cảnh thế giới và khu vực; tái định vị dòng vốn đầu tư, giảm phụ thuộc vào các thị trường nhiều rủi ro và tiềm ẩn tranh chấp; ưu tiên kết nối sản xuất và cung ứng toàn cầu; thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ phụ trợ, phương pháp quản lý, quản trị tiên tiến, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng, góp phần tạo ra một năng lực mới, trong đó đặc biệt là năng lực về công nghệ và sản xuất hàng xuất khẩu.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang hướng tới xây dựng và hình thành nhận thức "Hợp tác cùng phát triển," tăng cường kết nối sản xuất trong nước với chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia để cải thiện vị trí trong chuỗi sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hàm lượng giá trị gia tăng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước, nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài đề cao tính minh bạch và ổn định của cơ chế, chính sách khi lựa chọn địa điểm đầu tư. Do đó, để tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư FDI, đặc biệt là FDI chất lượng cao, Việt Nam cần đổi mới trong khung pháp lý về đầu tư tuy nhiên, cần đảm bảo sự thống nhất trong các văn bản sửa đổi, nhất là sự đồng bộ giữa các Luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu,… Đồng thời, phải đảm bảo tính nhất quán trong cách hiểu và thực thi giữa các bộ, ngành, địa phương, tránh tình trạng cũng một quy định mỗi nơi thực hiện một kiểu hoặc quy định không rõ ràng, khi đụng đến phải chờ ý kiến cấp trên.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), nhận định doanh nghiệp EU hiện nay có xu hướng đầu tư phát triển theo chuỗi giá trị. Những doanh nghiệp đi đầu có thể đầu tư vào hạ tầng, năng lượng để mở đường cho các doanh nghiệp sau đầu tư vào sản xuất, thương mại. Thành phố Hồ Chí minh với vị trí địa lý đắc địa, không chỉ có vai trò là cửa ngõ của khu vực phía Nam Việt Nam mà còn có thể trở thành trung tâm trung chuyển thương mại cho cả khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, để khai thác được ưu thế đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần được đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ thương mại, thậm chí cả hạ tầng về giải trí. Song song đó, thành phố cần tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính liên quan đến tính minh bạch trong chính sách thuế, đơn giản hóa việc cấp giấy phép lao động... từ đó giảm thiểu rủi ro, giúp nhà đầu tư yên tâm rót vốn./.