Chuyên mục  


may-bay-noi-bai-16403501565822082538055.jpg

Số máy bay khai thác của các hãng hàng không Việt Nam hiện dao động từ 165-170 chiếc, giảm khoảng 40-45 chiếc so với năm 2023 - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Giá vé máy bay hạng phổ thông tăng so với năm 2023

Theo Cục Hàng không, từ đầu năm 2024 đến nay giá vé máy bay trung bình của hạng phổ thông trên một số đường bay (đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. 

Theo đó, đường bay Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội và TP.HCM đi/đến Đà Nẵng, Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội - Nha Trang có giá vé trung bình (của các hãng hàng không Việt Nam) tăng từ 3% đến 49,6%, tùy theo từng đường bay và từng hãng cụ thể.

Tuy nhiên, theo Cục Hàng không, giá vé hạng phổ thông dù tăng nhưng vẫn nằm trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định hiện hành. 

Năm nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng cao

Cục Hàng không cho rằng giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam tăng nằm trong xu hướng chung trên thế giới do chịu tác động bởi các nguyên nhân chính gồm:

- Giá nhiên liệu tăng cao: Số liệu cập nhật của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), giá nhiên liệu bay Jet A1 khu vực châu Á ngày 26-4-2024 là 100,25 USD/thùng. Theo tỉ giá USD/VND, chi phí nhiên liệu tháng 4-2024 của các hãng hàng không Việt Nam tăng 56,55% so với tháng 12-2014 và tăng 74,27% so với tháng 9-2015 (thời điểm ban hành khung giá trần vé máy bay nội địa).

Giá Jet A1 khu vực châu Á tháng 4-2024 tương đương tháng 4-2023 (100,17 USD/thùng). Tuy nhiên, tỉ giá USD/VND tháng 4-2024 tăng 8% so với tháng 4-2023 khiến chi phí của các hãng tăng gần 6% so với cùng kỳ (chi phí có gốc ngoại tệ của các hãng chiếm 75% tổng chi phí).

- Chênh lệch về tỉ giá ngoại tệ: So với năm 2019, giá nhiên liệu trong quý 1 năm 2024 đã tăng 28 USD/thùng, tương đương 38,2% chi phí, làm chi phí khai thác toàn mạng phát sinh thêm 1.409 tỉ đồng. 

Cứ 1 USD giá nhiên liệu tăng làm chi phí chuyến bay quý 1 năm 2024 tăng thêm 56,7 USD/chuyến. Đồng thời, tỉ giá VND/USD trong quý 1 năm 2024 đã tăng 1.300 đồng (tương đương 5,6%) so với năm 2019, dẫn đến chi phí vận tải hàng không phát sinh thêm khoảng 823 tỉ đồng. 

Tỉ giá bình quân trong quý 2 năm 2024 tăng làm chi phí tăng mỗi chuyến bay 23 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nhiều chi phí thuê máy bay, giá điều hành bay quốc tế… được thanh toán bằng ngoại tệ (chủ yếu là USD) làm tăng chi phí cho các hãng.

- Biến động đội máy bay: Đến ngày 2-5 tổng số máy bay của các hãng hàng không Việt Nam là 199 chiếc, giảm 32 chiếc so với năm 2023. Số lượng máy bay đang khai thác thực tế dao động từ 165 - 170 chiếc, giảm khoảng 40 - 45 chiếc so với bình quân máy bay khai thác trong năm 2023.

Nguyên nhân chính khiến số máy bay giảm của các hãng là nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney triệu hồi động cơ PW 1100 để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất với khoảng 600 - 700 động cơ PW1100 đang khai thác trên thế giới. 

Một số máy bay Airbus A321 NEO của Vietnam Airlines và Vietjet sử dụng động cơ PW 1100 phải dừng khai thác từ tháng 1-2024 và năm 2025.

Theo thông báo của Pratt & Whitney, thời gian sửa chữa động cơ cần 140 - 160 ngày, trường hợp đặc biệt lên đến 365 ngày thay vì chỉ 75 ngày như năm 2019.

Do thực hiện việc tái cơ cấu đội bay nên hiện tại Pacific Airlines không khai thác máy bay nào (giảm 10 chiếc so với năm 2023), Bamboo Airways chỉ khai thác 5 máy (giảm 25 chiếc so với năm 2023).

Trong khi đó, năm 2024 Vietjet Air không nhận thêm máy bay nào; Vietnam Airlines chỉ nhận thêm 2 máy bay Boeing 787 trong dịp hè 2024; các hãng khác đều thông báo không thuê được máy bay.

Ngoài ra, giá thuê động cơ máy bay Airbus A321 là 48.000 - 50.000 USD/tháng vào năm 2019 đã tăng lên 80.000 - 100.000 USD/tháng vào năm 2024; giá thuê máy bay Boeing 787 từ 160.000 USD/tháng vào năm 2022 đã tăng lên 370.000 USD/tháng vào năm 2024. Giá phụ tùng tăng từ 10 - 13% so với trước năm 2019.

- Tình hình cung - cầu của thị trường hàng không nội địa: Việc giảm cung vận tải nội địa do giảm máy bay là nguyên nhân ảnh hưởng đến biến động về giá vé, đặc biệt trong thời điểm nhu cầu đi lại của hành khách tăng vào các dịp lễ, tết.

Tình trạng chênh lệch cung cầu này dự báo tiếp tục xảy ra trong cao điểm hè 2024, gây áp lực lên giá vé máy bay nội địa, đặc biệt là các chặng bay đến điểm du lịch.

Giá vé máy bay vẫn có xu hướng tăng

Cục Hàng không dẫn thông tin từ Báo cáo xu hướng toàn cầu (Global Trend Report) do FCM Consulting (một công ty cung cấp dịch vụ lữ hành đa quốc gia) cung cấp, thời điểm cuối năm 2023, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông đã tăng 17 - 25% so với năm 2019.

Công ty này dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3 - 7% trong năm 2024 và tiếp tục tăng trong các năm tới.

Nghiên cứu của Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA) cũng cho thấy giá vé máy bay trên thế giới trong thời gian tới sẽ có xu hướng tăng cao hơn.

Chi phí sân bay trong một vé máy bay là bao nhiêu?

Giá vé máy bay tăng cao, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam vào cuộc thanh tra công tác kê khai, niêm yết và bán vé của các hãng hàng không trong giai đoạn gần đây.

Về phía sân bay, trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 6-5, lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV, cho rằng thông tin chi phí sân bay tác động đến giá vé máy bay tăng cao gần đây được hãng bay nêu ra là chưa chính xác.

ACV là doanh nghiệp vốn Nhà nước chiếm 95,4%, quản lý khai thác 22 sân bay tại Việt Nam.

screen-shot-2024-05-06-at-185742-1714996727543257881109.png

ACV lần đầu tiên công bố các chi phí thể hiện mức thu của hãng bay và hành khách cho một chặng bay cụ thể đông khách. ACV thu 150.000 đồng/khách, chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với doanh thu của hãng bay ở chặng TP.HCM - Hà Nội

Với dịch vụ cất hạ cánh, đây là dịch vụ ACV đang thu hộ Nhà nước. Mức giá được quy định theo Thông tư 53/2019 của Bộ Giao thông vận tải và được áp dụng hơn 7 năm qua.

Dịch vụ phục vụ hành khách và soi chiếu an ninh là khoản thu theo quy định của Thông tư 53/2019 của Bộ Giao thông vận tải.

Các hãng hàng không đang thu hộ cho ACV và được hưởng hoa hồng thu hộ là 1,5% doanh thu. Thực tế các hãng hàng không đang chiếm dụng khoản thu này lên đến hàng nghìn tỉ đồng và chưa thực hiện trả đầy đủ cho ACV - theo thông tin từ lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV.

Các dịch vụ Cảng do Nhà nước quy định khung giá: Dịch vụ sân đậu tàu bay, cho thuê cầu dẫn khách, quầy thủ tục, băng chuyến hành lý... thực hiện thu theo khung giá quy định của Nhà nước .

"Theo tính toán của ACV, tiền thu từ các dịch vụ này đối với một chuyến bay của tàu bay A320/321 là 3 triệu đồng/chuyến bay, rất nhỏ so với cơ cấu chi phí cho một chuyến bay của hãng hàng khôn,g và nếu phân bổ cho hành khách đi máy bay thì chỉ khoản 15.000 đồng/hành khách" - ACV tính toán.

Dịch vụ kỹ thuật thương mại mặt đất, trừ 4 sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, các sân bay còn lại được ACV cung cấp dịch vụ kỹ thuật, thương mại mặt đất cho các hãng bay và thu tiền theo chuyến bay.

Chi tiết hơn, với Vietnam Airlines, Vietjet, phía ACV cho biết từ năm 2012 đến nay, cảng điều chỉnh tăng giá một lần 5% vào năm 2019. Số tiền thu từ dịch vụ này chia đều cho hành khách đi máy bay trên tàu bay A320/321, là 30.000 đồng/hành khách.

Trung bình chi phí cảng thu mỗi hành khách từ 125.000 đến 170.000 đồng, tùy sân bay. Ngày 7 đến 9-5, đoàn thanh tra Cục Hàng không Việt Nam sẽ làm việc với các hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways và Vietravel Airlines. 

Nội dung thanh tra hoạt động kê khai, minh bạch thông tin giá vé máy bay từ 1-1-2024 đến nay. Đoàn thanh tra Cục Hàng không Việt Nam có 10 thành viên. Phó Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam Đỗ Hồng Cẩm làm trưởng đoàn.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020