Tính từ đầu năm, VN-Index đã trải qua 7 lần gặp khó khi tiếp cận lại đỉnh 1.300 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
VN-Index đóng cửa thứ 41 của năm tại 1.288,39 điểm, tăng gần 18 điểm (1,4%) so với cuối tuần trước nhưng thanh khoản giảm mạnh.
Chứng khoán lại tiếp tục lỡ "chuyến tàu" nâng hạng tuần qua không khiến chỉ số phản ứng gay gắt, ngược lại vẫn tăng. Song ngay cả khi GDP tăng "thần kỳ", cũng không đẩy VN-Index vượt lại đỉnh cũ 1.300 thành công.
Vì sao VN-Index "giậm chân tại chỗ"?
Đầu năm 2022, chứng khoán Việt Nam từng tạo cột mốc quan trọng khi VN-Index lập đỉnh lịch sử 1.528,57 điểm. Đến nay, đây vẫn là mức cao nhất mà chỉ số này từng một lần chạm đến và chưa có lần thứ hai.
Năm ngoái và sang tới hơn 9 tháng năm nay, việc chinh phục lại đỉnh 1.300 cũng khiến chỉ số "vật vã". Lên rồi xuống, VN-Index quanh quẩn ở vùng 1.200 khiến nhiều nhà đầu tư chán nản.
Trong khi chứng khoán Việt "giậm chân tại chỗ" thì nhìn sang các thị trường khác, cả Mỹ hay châu Á - đều liên tiếp vượt đỉnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Huỳnh Hoàng Phương - cố vấn mảng quản lý gia sản của FDIT, chỉ ra, việc điểm số không thể bứt phá hoặc tăng rất chậm cũng là đặc điểm thị trường cận biên như Việt Nam.
Ông Phương quan sát, ngay cả một số thị trường mới nổi thì điểm số cũng không tăng mạnh như thị trường phát triển.
Với VN-Index, việc chỉ số dừng lại ở mốc này một phần do tính chu kỳ của phần lớn các cổ phiếu niêm yết còn "nặng" như nhóm bất động sản. Tỉ trọng ngành này đã giảm nhưng cùng với ngân hàng, đây vẫn là các nhóm chiếm phần lớn VN-Index.
14.4 |
38 |
5.7 |
41.9 |
Nguồn: HNX, HoSE, VCI
Ông Phương lý giải nhiều cổ phiếu thuộc nhiều ngành khác ở thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhiều chu kỳ với hiện tượng "sao đổi ngôi", nôm na có những cổ phiếu tăng rất mạnh rồi "tàn lụi" và các "ông lớn" khác lên thay. Chỉ số không tăng cũng là hệ quả khi nhiều ông lớn thoái trào.
Đơn cử như cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai chu kỳ trước, hay gần đây có nhóm FLC, Novaland… "Điều này càng cho thấy chất lượng doanh nghiệp niêm yết không đồng đều và là một điều rất đáng quan ngại", ông Phương nói.
Bà Hoàng Việt Phương - giám đốc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư SSI, đồng tình: Thị trường chưa có nhiều nguồn cung chất lượng, sản phẩm tài chính mới hấp dẫn.
Trong khi tỉ trọng nhà đầu tư chuyên nghiệp còn thấp là những điểm hạn chế khiến thị trường khó bứt phá bền vững như kỳ vọng.
"Từ năm 2007 đến nay, thị trường chứng khoán đã có những bước phát triển về cơ sở hạ tầng, quy định pháp lý, quy mô và thanh khoản.
Tuy nhiên, VN-Index vẫn chưa bứt phá bởi tính biến động mạnh trên thị trường khi khối nhà đầu tư cá nhân chiếm tỉ trọng chi phối lại vốn dễ bị tác động về mặt tâm lý", bà Phương nói.
VN-Index vẫn vậy, nhưng thị trường cũng đã nhiều thay đổi
Dù vẫn loanh quanh vùng 1.200 điểm như hiện tại, nhưng các chuyên gia chỉ ra so với giai đoạn 2007-2009 và giai đoạn sau này, thị trường đã có nhiều thay đổi.
Bà Hoàng Việt Phương cho biết cùng mức điểm số nhưng hiện tại số lượng tài khoản nhà đầu tư chứng khoán đã tăng 20 lần.
Ngoài ra, vốn hóa thị trường tăng hơn 10 lần so với giai đoạn năm 2007. Hệ thống hạ tầng và khung pháp lý cho thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay đã phát triển và hoàn thiện hơn rất nhiều so với giai đoạn trước.
Ông Huỳnh Hoàng Phương giải thích, cùng mốc 1.200 điểm nhưng do chỉ số được điều chỉnh khi có thêm cổ phiếu niêm yết nên cùng một mốc điểm số nhưng vốn hóa toàn thị trường đã lớn hơn rất nhiều.
Thực tế, cổ phiếu tốt của Việt Nam trong thời gian qua tăng trưởng rất tốt, chỉ có chỉ số thì bị kìm lại bởi một số "ông lớn"có vẻ hết thời.
Nêu giải pháp, bà Hoàng Việt Phương - chuyên gia SSI kiến nghị, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và hạ tầng cho thị trường, đẩy nhanh vận hành hệ thống KRX, hỗ trợ hoạt động IPO và các điều kiện tham gia giao dịch của các quỹ đầu tư...
Một hướng khác cũng được chuyên gia và phía cơ quan quản lý thị trường chứng khoán thúc đẩy, đó là tăng tỉ lệ nhà đầu tư tổ chức.