TS Phạm Tấn Hạ khẳng định việc sáp nhập các bộ ngành, cơ quan hiện nay không ảnh hưởng nhiều đến học sinh trong chọn ngành - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng nay 12-1 tại Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP Pleiku, Gia Lai) thu hút hơn 4.000 học sinh trong tỉnh, trong đó rất nhiều em lo lắng trước các thông tin sáp nhập, không biết chọn ngành nào để vào đại học.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai, Tỉnh đoàn Gia Lai, Trường THPT chuyên Hùng Vương phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Nhà báo Nguyễn Khắc Cường - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ giới thiệu các chương trình học bổng trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Gia Lai sáng nay - Ảnh: TRẦN HUỲNH
"Việc sáp nhập không ảnh hưởng nhiều đến học sinh trong chọn ngành"
Bạn Nguyễn Đình Long - học sinh Trường THPT Pleiku - cho biết bạn có nghe thông tin nhà nước, chính phủ đang chuẩn bị sáp nhập các tỉnh thành và các bộ, cơ quan nên lo lắng việc này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tuyển dụng các ngành nghề.
Theo TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu Trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - việc sáp nhập các cơ quan đơn vị theo chỉ đạo của Trung ương để tinh gọn bộ máy quản lý, qua đó nâng cao hiệu quả làm việc.
Tuy nhiên việc sáp nhập này không ảnh hưởng nhiều đến các bạn. Khi chọn ngành học nào đó, các bạn phải biết được mình mong muốn theo đuổi nghề gì.
Thầy Hạ khuyên các bạn học sinh không nên quá lo lắng trước các thông tin sáp nhập.
"Tôi nghĩ các bạn nên quan tâm và cần làm được là học cái gì và học như thế nào. Năng lực chuyên môn, kỹ năng của mình có tốt để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng hay không, điều đó mới quan trọng.
Khi đi học mà sợ thất nghiệp là các bạn tự tạo cho mình rào cản. Nếu các bạn có ước mơ thì phải quyết tâm chinh phục. Trước hết, các bạn cần phải tìm hiểu các ngành học để chọn được ngành học phù hợp mà mình yêu thích", thầy Hạ khuyên.
Hơn 4.000 học sinh tỉnh Gia Lai tham dự chương trình vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng nay - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT trên 99%, đậu đại học trên 80%, khó tìm việc?
Trong khi đó, bạn Nguyễn Mạnh Tiến - học sinh Trường THPT Pleiku - băn khoăn: "Hiện nay tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT trên 99% và đậu đại học trên 80%. Như vậy học đại học ra trường có việc làm hay không? Đặc biệt với ngành sư phạm hiện nay điểm trúng tuyển đầu vào cao nhưng sinh viên ra trường lại thất nghiệp. Các trường có hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm?
Chia sẻ về việc này, ThS Hoàng Thúy Nga - chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - nói với việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, đội ngũ giáo viên rất thiếu ở khắp các địa phương trên cả nước. Chính vì vậy, hiện nhà nước có chính sách miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm. Để được hưởng chính sách này, các em phải có kết quả học tập tốt.
Sinh viên sư phạm học theo đặt hàng đào tạo của địa phương nào thì các em phải trở về địa phương đó công tác trong ngành giáo dục. Nếu không làm việc trong ngành giáo dục như cam kết, các sinh viên này phải bồi hoàn học phí và sinh hoạt phí đã được nhận.
Để thành công trong công việc, bắt buộc các em phải có đam mê, yêu thích ngành học.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng tư vấn cho học sinh Gia Lai - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Đại học Quốc gia TP.HCM giảm phương thức, thí sinh bị giảm cơ hội?
Môt nam sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương thắc mắc vừa qua Đại học Quốc gia TP.HCM công bố cắt giảm còn 3 phương thức xét tuyển, điều này gây thiệt thòi cho các bạn không có giải học sinh giỏi quốc gia hoặc đạt giải khuyến khích. Tại sao Đại học Quốc gia TP.HCM cắt giảm phương thức xét tuyển? Các trường thành viên có điều chỉnh phương thức xét tuyển để tạo điều kiện cho các bạn thuộc các đối tượng trên?
PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng thực tế Đại học Quốc gia TP.HCM chỉ gom gọn phương thức xét tuyển. Lâu nay đại học này có phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển dành cho học sinh giỏi theo danh sách 149 trường THPT trên cả nước.
Năm nay các trường sẽ gom các phương thức nào vào phương thức xét tuyển thẳng cùng với xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về chỉ tiêu có lẽ cũng không thay đổi, khoảng 10-20% chỉ tiêu dành cho ưu tiên xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển dành cho những học sinh xuất sắc nhất.
"Phương thức xét giải thưởng học sinh giỏi quốc gia vẫn còn và việc xét tuyển này tùy trường và tùy ngành. Do vậy các em không nên lo lắng với phương thức xét thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, thí sinh không mất cơ hội ở phương thức này", thầy Thắng khẳng định.
Chỉa sẻ thêm với học sinh về việc này, ThS Phùng Quán - Trường ĐH Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho hay: "Nhiều học sinh trường chuyên đang lo đạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi sẽ không được ưu tiên xét tuyển.
Tuy nhiên, ở Trường đại học Khoa học tư nhiên, nếu bạn đoạt giải khuyến khích đăng ký ưu tiên xét tuyển sẽ được cộng điểm cao nhất ở phương thức này: điểm học bạ 3 năm THPT cộng với điểm các giải thưởng. Do vậy các bạn có thể yên tâm".
ThS Phùng Quán tư vấn cho học sinh về việc chọn ngành tại Trường THPT chuyên Hùng Vương sáng nay 12-1 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
"Thầy năn nỉ các em quan tâm đến khối ngành kỹ thuật công nghệ"
Trước nhiều băn khoăn của học sinh tại buổi tư vấn, TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - khẳng định những thông tin trên mạng cho rằng học đại học sẽ không có việc làm là hoàn toàn không đúng. Thị trường lao động, đặc biệt nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, đang rất thiếu nhân lực.
Thực tế học sinh đang có xu hướng không chọn khối ngành kỹ thuật công nghệ nên vừa qua chính phủ đang xây dựng chính sách phát triển khoa học công nghệ quốc gia với mục tiêu nâng tỉ lệ sinh viên khối ngành này lên 33%.
Hiện nay, nếu không tính ngành công nghệ thông tin thì tỉ lệ sinh viên các ngành kỹ thuật công nghệ chỉ có 12%, rất thấp so với các ngành nghề khác. So với các nước trong khu vực, tỉ lệ này cũng vô cùng thấp. Trong khi nước ta có định hướng phát triển khoa học công nghệ, công nghiệp hóa.
"Tôi khuyên các bạn học sinh nên tìm hiểu kỹ và mạnh dạn chọn khối ngành khoa học công nghệ, để góp phần cho đất nước có thị trường lao động hài hòa và phát triển. Thầy năn nỉ các em học sinh quan tâm đến các ngành kỹ thuật công nghệ một chút vì lĩnh vực ngành đang rất cần cho sự phát triển của đất nước", thầy Nhân nói.
TS Nguyễn Trung Nhân khẳng định những thông tin trên mạng cho rằng học đại học sẽ không có việc làm là hoàn toàn không đúng - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Trường THPT chuyên Hùng Vương (Plieku, Gia Lai) - Ảnh: TRUNG TÂN
Học sinh nghe sinh viên tình nguyện, giảng viên Trường ĐH kỹ thuật - dược Đà Nẵng giới thiệu mô hình cơ thể người - Ảnh: TRUNG TÂN
Học sinh Trường THPT Lê Lợi và THPT Pleiku (Gia Lai) háo hức đến với chương trình - Ảnh: TRUNG TÂN
Học sinh nghe tư vấn chuyên sâu tại Trường THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai) - Ảnh: TRUNG TÂN