Đây là dự án thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch 1, được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây với 2 tổ máy, tổng công suất lắp đặt 1.200 MW. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 41.130 tỷ đồng.
Đây là dự án nguồn điện đầu tiên của EVN được thu xếp 100% vốn vay từ ngân hàng trong nước và không có bảo lãnh của Chính phủ. Mỗi năm nhà máy này dự kiến góp 1.200 tỷ đồng vào ngân sách tỉnh Quảng Bình; tạo điều kiện cho địa phương phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, và việc làm cho lao động địa phương.
Theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN, nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I sử dụng công nghệ tualò hơi kiểu trực lưu, đốt than phun (PC) trực tiếp, tuabin kiểu ngưng hơi truyền thống, công nghệ hơi trên siêu tới hạn (các thông số hơi cao hơn nhiều điểm tới hạn). Hệ thống xử lý nước thải, khí thải và lọc trên 99% bụi, nên hàm lượng phát thải khí sau khi được xử lý tuân thủ các quy chuẩn về môi trường Việt Nam và tương đương với các tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (World Bank) áp dụng.
Các thông số về môi trường nhà máy khi vận hành được truyền về Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Bình để giám sát trực tuyến và hiển thị công khai tại khu vực cổng nhà máy 24/24h.
Đại diện các bộ, ngành, EVN ấn nút thi công xây dựng dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1. Ảnh: Hoàng Phong
Theo ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Công Thương, cùng với tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng điện trong 9 năm (2011-2019) tăng 10,5%; 11 tháng đầu năm 2021 tăng gần 4% so với cùng kỳ 2020. Dự kiến nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi kinh tế, các ngành lĩnh vực phục hồi, nên việc có thêm dự án nguồn điện công suất lớn góp phần đảm bảo nhu cầu điện.
Dự án sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn, đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng ông An vẫn lưu ý chủ đầu tư EVN tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo tổng thầu EPC xây dựng, thi công an toàn, đúng tiến độ dự án; đảm bảo nghiêm ngặt về môi trường. Với diễn biến dịch bệnh phức tạp, EVN và tổng thầu cần có kế hoạch đảm bảo an toàn, tuân thủ an toàn phòng chống dịch, không để ảnh hưởng tới tiến độ dự án.
Hồi giữa tháng 6, gói thầu thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC) trị giá gần 1,3 tỷ USD được EVN ký với liên danh nhà thầu Nhật Bản - Hàn Quốc và Việt Nam. T
heo tiến độ, dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại tổ máy số 1 sau 42 tháng và tổ máy số 2 sau 48 tháng. Thời gian bảo hành 24 tháng.
Khi đi vào vận hành, dự kiến năm 2025, mỗi năm nhà máy này có thể cung cấp 8,4 tỷ kWh cho hệ thống điện, bổ sung nguồn cung cấp điện, giúp tăng tỷ trọng nguồn nhiệt điện trong cơ cấu hệ thống điện quốc gia, khắc phục sự phụ thuộc vào thủy điện...
Dịp này, EVN cũng trao tặng 1 tỷ đồng cho tỉnh Quảng Bình để thực hiện công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Anh Minh