Chuyên mục  


Một cơ sở khai thác dầu của Iran ở đảo Khark. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thị trường dầu thế giới kết thúc tuần giao dịch này với mức tăng theo tuần lớn nhất kể từ cuối tháng 8, khi tâm lý nhà đầu tư không còn bị ám ảnh bởi tác động tiềm tàng của biến thể Omicron đối với tăng trưởng kinh tế thế giới và nhu cầu nhiên liệu.

Phiên 10/12, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 73 xu (tương đương 1%) lên 75,15 USD/thùng, sau khi giảm 1,9% vào thứ Năm. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến 73 xu (1%) lên 71,67 USD/thùng sau khi trượt 2% trong một phiên giao dịch đầy biến động ngày hôm trước đó.

Một yếu tố giúp nâng đỡ thị trường trong phiên này là báo cáo mới nhất của chính phủ Mỹ cho thấy giá tiêu dùng tháng 11 tại nước này ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ năm 1982. Diễn biến đó làm tăng thêm tâm lý lạc quan về nhu cầu dầu.

[Giá dầu châu Á hướng đến tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng Tám]

Ông Phil Flynn, nhà phân tích cao cấp về thị trường năng lượng cho hay giới đầu tư đã dần thoát khỏi cú sốc hồi tuần trước và cảm thấy lạc quan hơn, khi họ điều chỉnh lại kỳ vọng về nhu cầu năng lượng sau sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Thị trường dầu thế giới nhìn chung đã có một chuỗi giao dịch khá thăng hoa khi cả hai loại dầu tiêu chuẩn đều ghi nhận mức tăng trung bình cao nhất trong 15 tuần qua.

Mở đầu tuần mới trong phiên 6/12, cả hai loại dầu tiêu chuẩn đều tăng gần 5% sau khi các báo cáo ở Nam Phi cho thấy các trường hợp nhiễm biến thể Omicron chỉ bị các triệu chứng nhẹ. Quan chức hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, ông Anthony Fauci cũng nhận định rằng cho đến nay tình hình dường như không quá nghiêm trọng.

Một kho dự trữ dầu của Tập đoàn dầu Ấn Độ (IOC) ở Siliguri. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới tiếp tục tăng hơn 3% trong phiên 7/12, nới rộng mức tăng trong phiên trước đó giữa lúc những lo ngại về tác động của biến thể Omicron đối với nhu cầu nhiên liệu toàn cầu tiếp tục được xoa dịu.

Sau khi đà tăng kéo dài sang phiên 8/12, giá dầu quay đầu giảm khoảng 2% trong phiên 9/12 khi thị trường năng lượng chịu sức ép từ đồng USD mạnh lên.

Với mức tăng nhẹ trong phiên 10/12, giá dầu WTI tiêu chuẩn của Mỹ tuần qua đã tăng 8,2% - mức tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 27/8. Còn giá dầu Brent tăng 7,5% - cũng là mức tăng hàng tuần cao nhất kể từ cuối tháng Tám.

Tuy nhiên, giá “vàng đen” cũng đang chịu áp lực do hoạt động hàng không nội địa của Trung Quốc đang chững lại giữa lúc chính phủ thắt chặt hơn quy định về đi lại, trong khi niềm tin của người tiêu dùng yếu đi sau nhiều đợt bùng phát dịch nhỏ lẻ ở nước này.

Một yếu tố đáng lo khác là cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch đã hạ bậc đánh giá đối với các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc là China Evergrande Group và Kaisa Group, nói rằng họ đã vỡ nợ đối với trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ. Điều đó càng làm gia tăng lo ngại về khả năng suy thoái trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, cũng như ảnh hưởng đến nền kinh tế của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, các nhà đàm phán đã có mặt tại Vienna, Áo trong tuần này khi Iran tổ chức các cuộc đàm phán với các cường quốc thế giới nhằm nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Một số quan chức cấp cao của Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tiến tới thắt chặt việc thực thi các biện pháp trừng phạt chống lại Iran khi các nỗ lực ngoại giao nhằm khôi phục thỏa thuận bị đình trệ.

Tại một cuộc họp báo mới đây về triển vọng thị trường năng lượng năm 2022, bà Shin Kim, người đứng đầu bộ phận phân tích sản xuất và cung ứng tại công ty chuyên cung cấp thông tin về thị trường hàng hóa S&P Global Platts cho biết dự báo của công ty này về thị trường dầu mỏ giả định rằng Iran và các cường quốc phương Tây sẽ đạt được thỏa thuận hạt nhân trong quý đầu tiên của năm tới. Điều đó sẽ cho phép tăng nguồn cung dầu từ Iran trở lại thị trường vào cuối năm sau.

Ngoài ra, bà cho hay Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhiều khả năng có thêm một đợt nâng sản lượng nữa vào giữa năm 2022.

Trong trường hợp không có thỏa thuận hạt nhân nào với Iran vào năm tới, thị trường sẽ cần sử dụng tất cả năng lực sản xuất dự phòng của OPEC để bù đắp cho nguồn cung bị thiếu hụt. Điều đó sẽ khiến công suất dự phòng vốn đã rất hạn hẹp càng xuống thấp hơn, khiến việc đối phó với bất kỳ sự kiện làm gián đoạn nguồn cung nào trong năm tới khá khó khăn.

Tệ hơn nữa, nếu không có một thỏa thuận hạt nhân với Iran và nguồn cung lại bị gián đoạn, thị trường cần chuẩn bị tâm lý trước khả năng giá dầu chạm ngưỡng 100 USD/thùng trong năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020