Chuyên mục  


Việc đầu tư lưới truyền tải thời gian qua chưa theo kịp sự phát triển của các dự án năng lượng tái tạo, do đó việc thu hút tư nhân đầu tư lưới truyền tải sẽ kỳ vọng đẩy nhanh tốc độ hoàn thành các dự án truyền tải - Ảnh: TRUNG NAM

Lưới truyền tải "đi sau" nguồn điện

Trong khi Bộ Công thương đang hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (quy hoạch điện VIII), các địa phương tiếp tục đề nghị bổ sung quy hoạch hàng trăm dự án nguồn điện với quy mô công suất lớn. Đáng chú ý, trong số các dự án điện mới này, nhà đầu tư tập trung đề xuất nhiều dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và điện khí LNG.

Trong bối cảnh Việt Nam đã đưa ra lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, tăng sử dụng năng lượng sạch và giảm nhiệt điện than tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), việc đề xuất phát triển mạnh các dự án năng lượng tái tạo là xu hướng tích cực.

Tuy nhiên, trong văn bản đề xuất của các tỉnh, nhà đầu tư đều tập trung đề xuất dự án về nguồn điện. Trong khi đó, việc phát triển lưới truyền tải đồng bộ với nguồn điện theo từng giai đoạn để giải tỏa công suất lại chưa được các nhà đầu tư "mặn mà".

Thực tế phát triển nhanh các dự án điện mặt trời, điện gió trong 3 năm qua đã bộc lộ hạn chế trong đầu tư khi lưới truyền tải chưa theo kịp tốc độ xây dựng các dự án nguồn điện tái tạo do nhiều vấn đề. Điều này gây áp lực lớn đến vận hành lưới điện, nhiều thời điểm đầy tải, quá tải khiến các dự án phải cắt giảm công suất để tránh sự cố trong truyền tải.

Theo Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) nhiều công trình lưới điện quan trọng dự kiến đóng điện giai đoạn 2021-2025 theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh vẫn còn đang trong giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi, nếu không được bổ sung các dự án mới, nguy cơ cắt giảm phụ tải vào các giờ cao điểm sẽ tiếp tục xảy ra và kéo dài. 

Trong khi đó, việc thu xếp vốn xây dựng các dự án truyền tải với nhu cầu vốn lên đến cả tỉ USD mỗi năm là thách thức không nhỏ đối với ngành điện.

Hệ lụy của việc "nghẽn" phát triển lưới truyền tải gây thiệt hại lớn cho cả nhà đầu tư lẫn bên mua điện khi có thời điểm nơi thừa điện, nơi phải huy động nguồn điện chạy dầu giá cao.

Giảm gánh nặng đầu tư truyền tải

Dự án trạm biến áp 500kV và đường dây 220kV, 500kV tại Ninh Thuận do Trungnam Group đầu tư đến nay đã vận hành ổn định hơn một năm, trong ảnh là quá trình xây dựng ban đêm để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ - Ảnh: TRUNG NAM

Hiện Điều 4 của Luật điện lựcquy định "Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải", song lại chưa phân định rõ việc độc quyền ở các khâu nào trong hoạt động truyền tải. 

Trong khi đó, nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã định hướng chủ trương thực hiện xã hội hoá hoạt động truyền tải, cho phép kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện.

Do đó, việc sớm ban hành các hành lang pháp lý sẽ giúp nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, xóa bỏ rào cản để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư hệ thống truyền tải.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 8-12 vừa qua, Chính phủ đã đề xuất sửa Luật Điện lực để cho phép mọi thành phần kinh tế được tham gia đầu tư dự án truyền tải điện, trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trong từng thời kỳ.

Việc tạo ra hành lang pháp lý để thu hút tư nhân tham gia truyền tải sẽ được Quốc hội thảo luận trong kỳ họp bất thường tới đây, kỳ vọng mở ra những cơ chế cởi mở để đẩy nhanh tốc độ xây dựng các dự án truyền tải.

Trong bối cảnh tỉ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo ngày càng lớn và tiếp tục gia tăng trong tổng công suất nguồn, nhưng lại tập trung chủ yếu ở một số vùng phụ tải thấp thì việc thu hút tư nhân làm hạ tầng truyền tải điện là một trong những giải pháp đột phá để tháo "điểm nghẽn" quá tải truyền tải, tăng đầu tư hạ tầng truyền tải và huy động vốn.

Thời gian qua, Chính phủ cũng đã cho phép các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực truyền tải điện với mục đích giải tỏa công suất các dự án điện tái tạo. Trong đó, dự án truyền tải điện 500kV đầu tiên do tư nhân đầu tư, xây dựng dài hơn 13km, đến nay vẫn đang được nhà đầu tư này bỏ chi phí ra vận hành.

Cụ thể, dự án trạm biến áp 500kV và đường dây 220kV, 500kV tại Ninh Thuận do Công ty CP đầu tư và xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đầu tư đến nay đã vận hành ổn định hơn một năm, vừa giúp truyền tải cho dự án của doanh nghiệp này lẫn truyền tải hộ cho các dự án năng lượng tái tạo khác trong khu vực.

Các công nhân thi công đường dây 500kV đầu tiên do tư nhân đầu tư tại Ninh Thuận vào năm 2020 - Ảnh: TRUNG NAM

Ông Nguyễn Tâm Tiến - tổng giám đốc Trungnam Group - cho biết hệ thống hạ tầng truyền tải 500kV này đã được xây dựng bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, góp phần tiết kiệm khoản chi phí lớn đầu tư cho Nhà nước khi doanh nghiệp bàn giao lại với giá 0 đồng.

Theo ông Tiến, hệ thống truyền tải này không chỉ đảm bảo các yêu cầu về mặt kỹ thuật mà còn hoàn thành trong thời gian ngắn, vượt tiến độ so với thời gian quy định 3 tháng, phát huy lợi thế của tư nhân trong quá trình đầu tư dự án.

Ông Tiến đánh giá dự án này đã tránh tình trạng giảm phát, gây thiệt hại, lãng phí hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, góp phần đưa tỉnh Ninh Thuận trở thành Trung tâm Năng lượng tái tạo Quốc gia, cũng như hiện thực hóa quyết tâm tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Đồng quan điểm, chủ đầu tư một dự án điện gió phía Nam cũng nhận định Nghị quyết 55 đã ủng hộ tư nhân đầu tư truyền tải, do đó cần sớm cụ thể hóa các chính sách, phương thức tham gia và cơ chế đối với tư nhân để thu hút được nguồn lực xã hội này, nhất là khi những dự án do tư nhân đã thực hiện đều chứng minh được chất lượng, tốc độ và tính hiệu quả.

Đường dây 500 kV đầu tiên do tư nhân đầu tư đóng điện thành công

TTO - Lúc 16h ngày 29-9, Công ty CP đầu tư và xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đã đóng điện thành công trạm biến áp và đường dây 220 kV, 500 kV tại tỉnh Ninh Thuận. Đây là đường dây truyền tải điện 500 kV đầu tiên do tư nhân đầu tư, xây dựng.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020