Nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn còn ngập trong khó khăn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bức tranh tổng thể ngành dệt may dần phục hồi, đơn hàng tăng trở lại giúp cải thiện doanh số, tổng kim ngạch xuất khẩu cũng tăng. Nhưng nhiều công ty vẫn còn thua lỗ, cắt giảm sản xuất, đơn hàng trở lại nhưng chưa chắc chắn…
Ngoài đơn hàng, doanh nghiệp dệt may cũng phải đối mặt với nhiều những nỗi lo khác, từ đơn giá, chi phí nhân công, vận chuyển đến câu chuyện "xanh hóa"...
Người mừng, kẻ lo
Nếu như 2023 hầu hết doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém khả quan khi thiếu đơn hàng trầm trọng thì tín hiệu khả quan xuất hiện rõ nét hơn từ quý 2 năm nay. Báo cáo tài chính bán niên 2024 bắt đầu ghi nhận nhiều doanh nghiệp tăng trưởng cao về lợi nhuận.
Như Công ty CP dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công (TCM), doanh thu 6 tháng đạt 1.780 tỉ đồng và lãi sau thuế hơn 134 tỉ đồng, tăng lần lượt 12% và 135% so với cùng kỳ năm ngoái. Đại diện TCM cho biết đến hiện tại đã và đang nhận khoảng 90% kế hoạch cho đơn hàng quý 3 và khoảng 86% cho quý 4. Lãnh đạo TCM kỳ vọng công ty sẽ mang về doanh thu 157,7 triệu USD, tương đương hơn 3.700 tỉ đồng.
Quý 2 năm nay cũng khá tích cực với Tổng công ty CP dệt may Hòa Thọ (HTG) khi lãi ròng gần 70 tỉ đồng - mức cao nhất 7 quý gần đây và tăng gấp đôi cùng kỳ. Gộp cả 6 tháng đầu năm này, doanh nghiệp may này lãi sau thuế hơn 113 tỉ đồng, tăng 79%.
Lý giải về tiến triển tích cực, ông Nguyễn Văn Hải - tổng giám đốc HTG - cho biết từ đầu quý 2 đến nay, thị trường dệt may đã có những chuyển biến tích cực và bắt đầu tăng trưởng. "Nhu cầu và giá bán ngành sợi được cải thiện so với cùng kỳ", ông Hải nói.
Hay như Công ty CP sợi Phú Bài (SPB), 6 tháng đầu năm ngoái còn lỗ 19 tỉ đồng, sang cùng kỳ năm nay báo lãi trở lại hơn 8 tỉ đồng. Với kết quả đạt được, Phú Bài sắp về đích lợi nhuận đặt ra cho cả năm nay.
Tuy nhiên, sự phục hồi trong ngành dệt may phân hóa khá rõ nét. Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệpngậm ngùi chuyển từ lãi sang lỗ. Như Công ty CP sợi Thế Kỷ, doanh thu trong quý 2 này sụt giảm hơn trăm tỉ đồng so với cùng kỳ, còn hơn 300 tỉ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp âm hơn 55 tỉ đồng, mức lỗ cao nhất từ trước đến nay, trong khi cùng kỳ vẫn lãi hơn 37 tỉ đồng.
Ông Đặng Triệu Hòa - tống giám đốc công ty - cho biết doanh số bán hàng kỳ này thấp, công ty cũng ngưng nhiều máy nhằm hạn chế tồn kho trong bối cảnh nhu cầu thị trường yếu. Kinh doanh thua lỗ, hoạt động phải thu hẹp lại, dường như kết quả diễn ra đáng trái ngược với kỳ vọng của lãnh đạo công ty khi đặt ra mục tiêu lãi 300 tỉ đồng cả năm nay.
Cùng cảnh thua lỗ, Hanosimex - một doanh nghiệp có tiếng ở khu vực phía Bắc - cũng báo lỗ tới gần 100 tỉ đồng trong nửa đầu năm nay. Doanh thu xấp xỉ giá vốn, Hanosimex kinh doanh với biên lãi gộp rất mỏng. HSM cho biết ngành dệt may chịu ảnh hưởng khó khăn chung của thị trường, luôn trong tình trạng thiếu đơn hàng.
Không tệ tới mức thua lỗ nhưng nỗ lực hồi phục của Tổng công ty may Hưng Yên hay Công ty cổ phần vải sợi may mặc Miền Bắc cũng nhiều trắc trở. Sau nửa đầu năm nay, doanh thu và lợi nhuận của hai doanh nghiệp đều sụt giảm.
Hay một trong những doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất trong ngành dệt may như Garmex Sài Gòn. Đến nay đơn hàng vẫn không có, doanh thu Garmex Sài Gòn chủ yếu vẫn đến từ... thanh lý tài sản.
Công nhân dệt may làm việc tại một công ty ở TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khó khăn vẫn còn bủa vây
Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), xuất khẩu toàn ngành dệt may của Việt Nam nửa đầu năm nay ước đạt hơn 19,5 tỉ USD - tăng trưởng 3,94% so với cùng kỳ năm 2023. Thông tin từ nhiều doanh nghiệp, về cơ bản đơn hàng xuất khẩu dệt may đã có đủ tới hết quý 3 năm nay, nhưng quý 4 vẫn chưa chắc chắn vì các khách hàng còn thận trọng theo dõi các diễn biến của thị trường.
"Nhìn chung, năm nay cơn bĩ cực qua dần, nhưng doanh nghiệp dệt may vẫn còn rất nhiều khó khăn. Có doanh nghiệp đơn hàng tốt hơn nhưng giá thấp, trong khi các loại chi phí dâng cao lên. Thậm chí để cạnh tranh, nhiều mã phải giảm giá vài chục phần trăm", lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may nói với Tuổi Trẻ. Theo vị này, một số doanh nghiệp quy mô sản xuất lớn nhưng phải chấp nhận những đơn hàng vài nghìn chiếc để duy trì, chứ lãi là không thể.
Bà Phạm Thị Phương Hoa - tổng giám đốc Tổng công ty may Hưng Yên - cho biết 2024 vẫn là một năm khó khăn khi một số nước như Mỹ, Anh, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... có tỉ lệ lạm phát còn cao, Mỹ chưa hạ lãi suất...
"Đối với Tổng công ty may Hưng Yên, tình hình kinh doanh khó khăn do giá gia công vẫn thấp, lao động còn giảm khoảng 10% so với cùng kỳ. Lao động trong khu vực bị dịch chuyển nhiều. Trong khi tiền lương, bảo hiểm, vận chuyển, điện... đều tăng", bà Hoa chia sẻ.
Ông Dương Trung Hoa, chuyên gia phân tích Chứng khoán Phú Hưng, nhận định tín hiệu phục hồi ngành dệt may rõ ràng hơn từ quý 2 năm nay và sẽ ghi nhận tăng trưởng mạnh hơn từ quý 3 này. Nhìn lại, kể từ quý 4 năm ngoái, tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ quần áo và hàng dệt may tại Mỹ và Nhật Bản đã có những cải thiện đáng kể so với cùng kỳ.
Dù vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng bán lẻ hàng dệt may âm, nhưng vị chuyên gia cho biết, nhờ hưởng lợi từ các hiệp định thương mại như VJEPA, RCEP, CPTPP mà thị phần xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Nhật Bản vẫn giữ ổn định trong các năm qua ở mức trung bình đạt khoảng 10%.
"Chúng tôi cho rằng chu kỳ bổ sung hàng tồn kho đang trở lại và sẽ là động lực chính giúp gia tăng các đơn hàng cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong năm 2024. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đơn giá hàng dệt may có lẽ vẫn sẽ là thách thức lớn đối với ngành dệt may Việt Nam", ông Hoa cho hay.
Theo vị chuyên gia, chi phí lao động ở Việt Nam vẫn đang cao hơn so với các nước đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ cùng với áp lực từ tỉ giá USD/VND. Từ đầu năm đến nay, đồng USD đã mất giá hơn 4%, có thời điểm lên tới 5%.
Ngoài ra, căng thẳng tại Biển Đỏ khiến chi phí vận chuyển trong tháng 1-2024 sang Mỹ và EU tăng gấp đôi so với cuối năm 2023 là rủi ro đáng lưu tâm cho các doanh nghiệp có tỉ trọng xuất khẩu sang Mỹ và EU cao.
Dù hiện tại hầu hết các doanh nghiệp này đều đang xuất khẩu theo điều kiện FOB (người mua hàng chịu chi phí vận chuyển), tuy nhiên ông Hoa cho rằng căng thẳng tại Biển Đỏ cũng sẽ tác động lên thời gian giao hàng và chi phí bảo hiểm và cũng sẽ giảm sức cạnh tranh của Việt Nam so với Bangladesh.
Do đó, dù đơn hàng dự kiến sẽ gia tăng, nhưng vẫn sẽ có rủi ro diễn ra cuộc chiến giá cả của các nhà cung cấp trong ngành trong năm 2024, qua đó biên lợi nhuận chưa thể cải thiện nhiều như kỳ vọng.
Gặp khó với xanh hóa ngành dệt may
Nhiều chuyên gia thời gian qua cũng lên tiếng cho rằng "xanh hóa" từ chuỗi sản xuất đến nguồn cung ứng đang là xu thế chung của toàn cầu, trong đó doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam buộc phải đáp ứng nếu không muốn bị thanh lọc...
Tuy không phải vấn đề mới nhưng khá nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra chật vật với những yêu cầu ngày càng khắt khe với câu chuyện "xanh hóa". Bên cạnh đó, dệt may là nhóm ngành xuất khẩu, đáng nhẽ sẽ hưởng lợi khi tỉ giá tăng nhưng nhiều doanh nghiệp lại chật vật vì có vốn vay bằng USD và nhập khẩu tương đối lớn.
Thận trọng
Ngay như Dệt May Thành Công (TCM), dù kết quả kinh doanh ghi nhận khá tốt nhưng góc nhìn của ban lãnh đạo cũng tỏ ra thận trọng.
"Dự báo xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục tăng thời gian tới, tuy vậy tốc độ tăng cũng không có nhiều đột biến bởi thị trường tiêu dùng Mỹ vẫn còn hạn chế do sự không chắc chắn trong tăng trưởng nền kinh tế", lãnh đạo TCM nhận định.
Chưa kể khu vực Bắc Âu cũng đã thay đổi chính sách đối với dệt may. Họ cho rằng thời trang và dệt may là một trong những ngành ô nhiễm nhất thế giới và những người dân ở Bắc Âu tiêu thụ hàng dệt may nhiều hơn mức trung bình thế giới.
"Cho dù nhiều tín hiệu tích cực từ xuất, nhập khẩu, đơn hàng... tuy vậy những tháng cuối năm nay được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức với dệt may Việt Nam vì ngày càng nhiều thị trường đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc, liên quan tới thẩm định quyền con người, môi trường trong chuỗi cung ứng" lãnh đạo TCM cho hay.