Nắng nóng gay gắt, có thời điểm hơn 41 độ C ở một vài địa điểm của miền Bắc lẫn miền Nam thời gian qua giúp thị trường thiết bị làm mát bùng nổ.
Cuối tháng trước, sau một tuần chọn lựa, chị Kim Ngân (28 tuổi) vừa chi 15 triệu đồng mua 2 máy lạnh công suất một ngựa (1 HP), tương đương 9.000 BTU mỗi máy để lắp cho 2 phòng ngủ ở quận Bình Thạnh (TP HCM).
Theo chị Ngân, giá bán giữa các nhà bán lẻ hiện không chênh lệch nhiều. Trên thị trường, các dòng máy đời mới hiện chỉ giảm 5-6%, còn đời cũ hơn khoảng 10%. Khách đặt trực tuyến được giảm thêm nhưng không đáng kể.
"Biết là không có ưu đãi lớn nhưng đang cần mua vì nóng nực nên tôi chọn nơi có dịch vụ lắp nhanh và thợ thân thiện", chị Ngân nói.
Máy lạnh quảng cáo trước một cửa hàng điện máy trên đường An Dương Vương, quận 8, TP HCM chiều 9/5. Ảnh: Dỹ Tùng
Trong tiết lộ gần đây, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế Giới Di Động (MWG) cho biết chuỗi Điện Máy Xanh đã cung cấp hơn 40.000 bộ máy lạnh và gần 25.000 quạt điều hòa chỉ trong 3 ngày cận dịp lễ từ 26 - 28/4 vừa qua.
Trước đó, vào quý I, MWG ghi nhận doanh thu tăng 16% và lợi nhuận ròng tăng 43 lần so với cùng kỳ. Theo công ty chứng khoán SSI, một trong các lý do giúp kết quả này cao hơn kỳ vọng nhờ doanh thu bất thường từ máy điều hòa. Cụ thể, riêng doanh thu của các chuỗi điện thoại điện máy tăng 7%, chủ yếu nhờ doanh thu bán máy lạnh tăng đến 50% trong bối cảnh thời tiết nắng nóng kéo dài.
Trên kênh trực tuyến, hơn 6.600 cửa hàng thuộc 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã bán được 380,3 triệu sản phẩm máy lạnh và quạt máy các loại trong quý I, theo thống kê của nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric.
So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu thiết bị làm mát tăng gần 54%, đạt xấp xỉ 163 tỷ đồng. Metric nhận định thông thường quý II là thời điểm ngành hàng này có doanh số tốt nhất nhưng quý I năm nay đã tăng trưởng rất cao do nhiều đợt nắng nóng xuất hiện sớm, đặc biệt là cuối tháng 3, đầu tháng 4.
Trong top 10 shop trực tuyến có doanh số đứng đầu, đa số bán được 2-3 tỷ đồng mỗi quý. Cá biệt một số shop lớn có thể bán được trên 10 tỷ. Dẫn đầu thị trường là gian hàng trực tuyến của một chuỗi điện máy trụ sở ở TP HCM, bán được 23,2 tỷ đồng thiết bị làm mát trên Lazada và Shopee trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng đến 3 con số so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường thiết bị làm mát dự báo vẫn sôi động thời gian tới, dù TP HCM đã chứng kiến một số cơn mưa vào những ngày đầu tháng 5. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, TP HCM có đỉnh nhiệt cao nhất trong năm rơi vào tháng 4 nhưng trên cả nước, nhiệt độ trung bình tháng 5 vẫn cao hơn trung bình nhiều năm 1-2 độ C, và tháng 6 cao hơn 0,5-1,5 độ C.
Dự báo tháng 5-7, nắng nóng sẽ tiếp tục xuất hiện tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên. Số đợt nắng nóng ở các khu vực phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm. Trong đó, đồng bằng Bắc Bộ sẽ có 6-8 đợt, khu vực Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế 7-9 đợt. Diễn biến này cho thấy nhu cầu máy lạnh, quạt điện có thể chuyển trọng tâm về phía Bắc.
"Do thời tiết nắng nóng sớm hơn, đầu mùa hè, nhu cầu về các sản phẩm như điều hòa (máy lạnh), quạt gia dụng, quạt mini có thể tăng cao", Đại diện Metric dự báo. Theo công ty dữ liệu này, các nhà bán cần tận dụng bằng cách cung cấp nhiều lựa chọn sản phẩm và tung khuyến mại.
Với thương mại điện tử, Metric khuyến nghị thương hiệu và nhà bán lựa chọn kênh bán phù hợp với từng phân khúc. Trong quý I, người mua thiết bị làm mát trực tuyến có xu hướng chọn Lazada để sắm máy lạnh đắt tiền còn thiết bị giá thấp - trung bình (dưới 1,5 triệu) thì mua trên Shopee và TikTok Shop, điển hình là quạt gia dụng, quạt mini, quạt tích điện.
Vì thế, để kinh doanh hiệu quả, người bán cần tăng cường cung cấp sản phẩm phân khúc giá cao ở Lazada, mở rộng dải sản phẩm trên Shopee và tối ưu hóa chiến lược giá trên TikTok Shop. Kênh này đang tập trung phân khúc 200.000-350.000 đồng và 500.000-750.000 đồng.
Dỹ Tùng