Chuyên mục  


Thông tin được Tổng thống Mỹ Donald Trump nói tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), ở Davos, Thụy Sĩ diễn ra tuần trước. "Không gì có thể phá hủy than, dù là bom hay thời tiết. Và chúng ta có nhiều than hơn bất kỳ ai", ông nói qua video gửi tới WEF.

Nhu cầu điện ở Mỹ đã chững lại trong 15 năm nhờ những tiến bộ về hiệu suất, nhưng mọi chuyện đang thay đổi. Nhiều hoạt động sản xuất, xe điện và các trung tâm máy tính phục vụ AI gây áp lực lên hệ thống điện.

Tính riêng các trung tâm dữ liệu, nhu cầu điện sẽ tăng 10-20% mỗi năm đến 2030. Sản xuất pin và chất bán dẫn cần thêm nhiều GW điện mới trong 4 năm tới, theo dự báo của công ty dữ liệu và phân tích Wood Mackenzie.

Trong khi ngành công nghệ quen tung ra các sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu liên tục thay đổi của người dùng, các công ty điện lực thì không. Nhà máy điện và hệ thống truyền tải thường mất hàng thập kỷ để hoạch định, xây dựng và vận hành.

"Nhiệm kỳ của chính quyền ông Trump là bốn năm. Các công ty điện lực thực sự khó đưa ra quyết định đầu tư trong khung thời gian này", GS Rob Godby, Đại học công lập Wyoming (bang Wyoming) phân tích.

Nhà máy điện than AES tại Peterburg, Indiana, Mỹ, tháng 10/2023. Ảnh: AP

Với ngành than, các chuyên gia năng lượng cho rằng bất kỳ sự gia tăng nào dưới thời ông Trump cũng mang tính tạm thời, bởi khí đốt tự nhiên rẻ hơn. Chưa kể, năng lượng tái tạo đã định hình một thị trường bền vững.

Điều này được chứng minh trong ba chính quyền gần nhất, GS Godby nói và thêm rằng "ngay cả Tổng thống Mỹ cũng không thể thay đổi được thị trường hay xu thế của than".

Dù vậy tuần trước, ông Trump đã ban hành các sắc lệnh kêu gọi ưu tiên phát triển năng lượng, gồm dỡ bỏ các quy định cản trở nhiên liệu hóa thạch. Điều này có thể dẫn đến việc bỏ các quy định về nhà máy điện ô nhiễm và một số chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo của Tổng thống tiền nhiệm Joe Biden.

Các sắc lệnh trên khiến các nhà bảo vệ môi trường lo lắng về những tác động lên biến đổi khí hậu, bởi sản xuất điện chiếm một phần tư lượng phát thải carbon của Mỹ. Tuy vậy, các công ty khai thác than lại trông chờ điều này.

Không giống như năng lượng mặt trời và gió, vốn phụ thuộc vào sự thay đổi của bức xạ nhiệt, thời tiết, điện than có thể hoạt động suốt ngày đêm, trừ thời gian bảo trì tổ máy phát theo định kỳ. Những người ủng hộ cho biết nguồn điện không ngừng từ than đáp ứng được nhu cầu của các cơ sở công nghệ.

Với các công ty điện, bình luận của ông Trump như "một tấm séc trắng để làm bất cứ điều gì bạn muốn" trong ngắn hạn, bất chấp những nỗ lực giải quyết phát thải CO2 và mở rộng năng lượng tái tạo trước đó, theo nhà phân tích Dan Thompson của S&P Global.

Nhưng Thompson lưu ý 3 hãng công nghệ thúc đẩy sự bùng nổ của trung tâm dữ liệu gồm Google, Amazon và Microsoft là những công ty mua năng lượng tái tạo lớn nhất. Họ đã cam kết đạt trung hòa carbon.

Điều này cho thấy một sự hoãn lại, chứ không phải trở lại, đối với ngành than. Giới phân tích cũng cho rằng khí đốt tự nhiên (LNG) sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ nhu cầu tăng sản lượng điện và "khó thấy được các nhà máy điện than mới do quá đắt đỏ".

Bảo Bảo (theo AP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020