"Khi thuế về bằng 0 thì hàng nước ngoài sẽ thắng bằng công nghệ", bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao bình luận về thương mại xuyên biên giới nhờ các hiệp định mà Việt Nam tham gia trong một sự kiện mới đây. Chuẩn bị cho viễn cảnh đó, bà Hạnh và hội doanh nghiệp đang nhấn mạnh liên tục đến việc số hóa, chuẩn hóa để chinh phục thị trường.
"Chuyển đổi số", khái niệm được cho là sẽ "lên ngôi" trong năm nay, sau khi "khởi nghiệp" và "cách mạng 4.0" được bàn luận suốt hai năm qua. Theo nhiều chuyên gia, chuyển đổi số đang là nhu cầu cấp thiết và đã được triển khai ở các doanh nghiệp nội địa năng động, cả trong ngành sản xuất chứ không chỉ ngành dịch vụ.
Ông Lê Trí Thông – Tổng giám đốc PNJ tiết lộ công ty này đã sử dụng công nghệ Data Analytics để phân tích và tối ưu hóa lượng hàng tồn kho cũng như lượng hàng trên đường di chuyển. Cùng với đó, công nghệ Computer Vision kết hợp với trí tuệ nhân tạo đã biến camera an ninh bảo vệ nữ trang thành camera phục vụ khách hàng, đọc được hành vi khách hàng, nhân viên để tối ưu hóa việc phục vụ.
"Ngày nay, cơ hội dành cho các doanh nghiệp là ở chỗ khai thác những làn sóng công nghệ mới để vượt lên hơn những mô hình kinh doanh truyền thống, tạo sức bật mới chinh phục thị trường thế giới", ông Thông nói.
|
Đã có những doanh nghiệp sản xuất năng động đã tham gia chuyển đổi số ở Việt Nam. Ảnh: Fotolia |
Ông Hồ Quỳnh Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Điện Quang cho biết công ty đã tung ra cùng lúc 4 bộ giải pháp về công nghệ hồi tháng 7 năm ngoái, như nhà thông minh, chiếu sáng thông minh. Cùng với đó là hai giải pháp dịch vụ trên nền công nghệ gồm nền tảng đặt dịch vụ tư vấn, thiết kế, thi công lắp đặt, bảo hành và giải pháp tư vấn chiếu sáng thông qua ứng dụng điện thoại.
Ở mảng sản xuất nông nghiệp, sau khi ứng dụng công nghệ CO2, siêu tới hạn, công nghệ tách màu vào chế biến gạo, Cỏ May tiếp tục đưa tự động hóa, trí tuệ nhân tạo vào khâu chế biến thủy sản và thậm chí còn lập thêm công ty mới.
"Tôi quyết định thành lập công ty Cỏ May Automation với dự định đưa công nghệ 4.0 vào hoạt động doanh nghiệp trong nỗ lực thay đổi phương thức vận hành doanh nghiệp mình" ông Phạm Minh Thiện - CEO Cỏ May cho hay.
Bà Vũ Kim Hạnh xác nhận nhiều doanh nghiệp trong hội đã và đang đi theo xu thế về công nghệ, số hóa quá trình sản xuất kinh doanh. "Có một thực tế không thể bỏ qua, đó là hàng hoá ngày nay muốn bán được, muốn đi xa và lên được kệ hàng thế giới, bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn với sự hỗ trợ mang tính quyết định của công nghệ", một trong những kết luận được rút ra từ cuộc điều tra Hàng Việt Nam chất lượng cao 2019 mới đây.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho rằng công nghệ và tiêu chuẩn quốc tế là sự kết hợp cần thiết để tăng sức cạnh tranh. "Không có gì tuyệt vời hơn công nghệ, công nghệ sẽ trở nên vô dụng nếu nó không được thừa nhận thông qua các tiêu chuẩn quốc tế", ông Linh nhắc lại chính sách tiêu chuẩn hóa của Hàn Quốc.
Cho đến nay, nhiều nước Đông Nam Á đều có chiến lược, chính sách đào tạo và hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp địa phương trong việc số hóa để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Malaysia có chương trình đào tạo từ 3 năm trước. Singapore có chương trình Go digital và nay là Start digital với chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Philippines, Indonesia đều có chính sách hỗ trợ từ vốn, kỹ năng quản lý, đặc biệt là số hóa. Thái Lan có chính sách khuyến khích áp dụng cải tiến công nghệ tiên tiến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương...
Viễn Thông