Công ty cổ phần Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái (Yfatuf - CAP) là doanh nghiệp duy nhất trên sàn chứng khoán kinh doanh giấy đế, vàng mã. Giai đoạn trước, họ thu về quanh 50-75 tỷ đồng mỗi năm từ giấy vàng mã. Ngay cả giai đoạn kinh tế khó khăn sau dịch như niên độ 2022-2023, công ty vẫn "ăn nên làm ra" từ mặt hàng này. Kỷ lục doanh thu vàng mã của CAP được thiết lập thời điểm đó với hơn 99 tỷ đồng, tương đương trung bình bán hơn 8 tỷ đồng giấy vàng mã mỗi tháng.
Nhưng tình hình kinh doanh nhanh chóng xấu đi từ niên độ 2023-2024. Tại đại hội cổ đông hồi cuối tháng 11, ban lãnh đạo cho biết đây là niên độ khó khăn nhất từ trước tới nay. Toàn bộ mặt hàng sản xuất của công ty đều bị ảnh hưởng lớn bởi nhu cầu thị trường giảm, giá cả vật tư nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao, cạnh tranh gay gắt và giá bán giảm sâu.
Riêng mảng sản xuất gồm giấy đế và vàng mã, Yfatuf cho biết trong 6 tháng đầu niên độ (quý IV/2023-I/2024), thị trường tiêu thụ rất khó khăn do nhu cầu của Đài Loan giảm, ít đơn hàng. Thêm vào đó, khách hàng liên tục yêu cầu giảm giá nhưng đòi hỏi phải tăng chất lượng. Trong khi đó, các nhà máy sản xuất giấy đế trong nước khác cũng dùng "chiêu" giảm giá mạnh để bán hàng và cạnh tranh trực tiếp với Yfatuf. Điều này dẫn tới sản phẩm của công ty bị tồn kho cao.
Doanh nghiệp này cũng chịu thiệt hại lớn từ cơn bão số 3. Họ phải dừng sản xuất làm giảm sản lượng tháng cuối niên độ.
Không chỉ mảng sản xuất, các nhà máy chuyên gia công vàng mã cho bên thứ ba cũng rơi vào thế khó. Nhà máy Phú Thịnh đã dừng sản xuất do chưa tìm được đối tác mới. Số lượng đơn hàng và phụ liệu của nhà máy Nguyễn Phúc cũng giảm mạnh.
Hoạt động sản xuất giấy vàng mã tại Yfatuf. Ảnh: CAP
Trong niên độ này, họ sản xuất được hơn 20.700 tấn giấy đế và gần 3.000 tấn vàng mã. Sản lượng giấy đế vượt kế hoạch đề ra 4% nhưng vàng mã chỉ thực hiện khoảng 43%. Theo báo cáo tài chính, doanh thu giấy vàng mã của công ty giảm 31% về còn 42,7 tỷ đồng. Đây là mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua.
Dự báo về niên độ 2024-2025, ban lãnh đạo tiếp tục đưa ra kịch bản kém tích cực. Họ cho rằng thị trường Đài Loan sẽ giảm mạnh về sản lượng và giá bán. Trong khi đó, sản xuất giấy đế và vàng mã trong nước có thể tăng lên.
Giá cả nguyên nhiên liệu vẫn có khả năng neo cao, vùng nguyên liệu gần nhà máy ngày càng giảm, chủ yếu họ phải thu mua ở xa. Yfatuf còn lo ngại về sự cạnh tranh gay gắt với các đơn vị sản xuất khác trên thị trường. Do đó, sản lượng, giá bán và hiệu quả sản xuất của mảng này sẽ không cao. Thêm vào đó, hai nhà máy gia công vàng mã có thể rất khó tìm đối tác hoặc có đơn hàng, phụ liệu không ổn định.
"Có thể nói niên độ 2024-2025, các mặt hàng sản xuất của công ty vẫn tiếp tục khó khăn, nhiều khả năng còn khó hơn niên độ 2023-2024", Yfatuf nêu trong nghị quyết đại hội cổ đông.
Ban lãnh đạo đề ra kế hoạch sản xuất 21.600 tấn giấy đế và 3.600 tấn vàng mã, tăng lần lượt 4% và 21% so với trước. Kết hợp với mảng tinh bột sắn và bã sắn khô, công ty dự kiến thu về 618 tỷ doanh thu và có thể lãi ít nhất 40 tỷ đồng. So với niên độ trước, doanh thu nhích thêm 4% nhưng lợi nhuận được kỳ vọng cải thiện tới 29%.
Tất Đạt